TPHCM: Hạ tầng giao thông cho vùng ven và ngoại thành

11/08/2014 5:05 PM

Ngày 10 – 8, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM cùng phối hợp tổ chức Chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 8-2014 với chủ đề “Hạ tầng giao thông cho vùng ven và ngoại thành TPHCM”.

Toàn cảnh tại buổi lắng nghe và trao đổi  tháng 8 với chủ đề “Hạ tầng giao thông cho vùng ven và ngoại thành TPHCM”

Tại chương trình, các cử tri đã cùng tham gia và trao đổi xoay quanh các vấn đề tình hình tiến độ, những khó khăn và thuận lợi cũng như những kiến nghị trong quá trình thực hiện việc phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ven và ngoại thành  

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM Trần Ngọc Hổ đã đánh giá về tình hình đầu tư hạ tầng giao thông cho nông thôn trong thời gian qua có sự phát triển khá toàn diện, thu hút đầu tư tốt hơn, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến. Ông Hổ cho biết, TP đã đầu tư khá nhiều cho khu vực vùng ven, vùng ngoại thành  của TP và trong đó có sự đóng góp rất nhiều của người dân. Trong 517 công trình tương đương 311 km đường giao thông được đầu tư đưa vào sử dụng trong thời gian qua với hơn 8.000 hộ dân đã tham gia hiến đất hơn 840.000m2 đất để xây dựng.

 

Ông Trần Quốc Thùy, cử tri Phường 13 quận Gò Vấp chia sẻ, đầu tư hạ tầng giao thông tại địa phương đã giải toả hàng trăm hộ, có nhiều hộ giải tỏa 1 phần nhưng cũng có hộ giải tỏa trắng nhưng 100% người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thi công bởi vì người dân hiểu được việc giải toả để làm đường giao thông có hiệu quả như thế nào đối với họ nên không có ai khiếu kiện.... đó là thành công rất lớn. 

 

Bày tỏ sự vui mừng trước nhiều con đường đẹp, khang trang tạo nên bộ mắt cho địa phương, ông Nguyễn Văn Diễm, cử tri xã Quy Đức, huyện Bình Chánh cho biết: hiện các hẻm giao thông tại xã Quy Đức đã được mở rộng, khang trang. Các công trình này đã giúp nhiều hơn cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nhiều người dân tận dụng lao động dư thừa đã nhận hàng về làm gia công, buôn bán. Bên cạnh việc đi lại thuận lợi, các công trình thủy lợi đã tạo được việc dự trữ nguồn nước cho việc phát triển ngành nông nghiệp và hy vọng sẽ có nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương trong tương lai.

 

Ông Diễm cũng cho rằng, dù người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường nhưng việc huy động đóng góp tiền để cùng nhà nước cùng xây dựng hạ tầng giao thông rất khó khăn vì hiện có nhiều người dân còn rất nghèo. Hiện 13 con hẻm tại xã Quy Đức chưa được làm và người dân mong muốn chính quyền sớm đầu tư cho hạ tầng giao thông tại địa phương.

 

 Bày tỏ sự lo lắng trong việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống cấp thoát nước đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân, Ông Nguyễn Thanh Hùng, cử tri xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết, hiện nay xã còn gặp nhiều khó khăn như đường Mương Lớn thường xuyên ngập úng do triều cường ảnh hưởng đến cuộc sông của người dân, đặc biệt là gây khó khăn trong việc đi lại học hành của học sinh. Ông Hùng cũng cho biết, người dân kiến nghị TP cần nhanh chóng đầu tư nâng cấp tuyến đường này.

 

 Nhận định về tình hình đầu tư giao thông, Phó Chủ tịch HĐND TP  Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, qua việc khảo sát về tình hình đầu tư giao thông tại 5 huyện ngoại thành và 4 quận vùng ven đã có nhiều bất cập nổi lên đó là đầu tư xây dựng đường giao thông chưa quan tâm đến cấp thoát nước, nhiều tuyến đường quá tải, xuống cấp...trong khi nguồn kinh phí sửa chữa có hạn. Trong cùng một huyện, xã nông thôn tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến xuống cấp, ô nhiễm môi trường…

 

 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lâm Nguyên Khôi cho biết, TP luôn ưu tiên vốn cho xây dựng nông thôn mới, vùng ven, ngoại thành. Hiện nguồn vốn hơn 10.600 tỷ đồng đã được đầu tư hạ tầng giao thông từ đầu năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, số vốn này chỉ đáp ứng 30% so với nhu cầu... Về các giải pháp, ông Khôi đề nghị các địa phương cần khai thác các quũ đất để có vốn đầu tư, đặc biệt là chuyển nhượng nhà, đất dôi dư để đầu tư cho các các công trình giao thông. Ngoài ra, địa phương cũng có thể kêu gọi đầu tư các cong trình chuyển giao theo nhiều hình thức BT, PPP... 

 

 Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định: Ngành giao thông sẽ dồn công sức, con người, ưu tiên vốn để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Ngành xác định việc xây dựng các tuyến đường phải đồng bộ với việc phải đầu tư hệ thống thoát nước để không gây xuống cấp, tránh lãng phí cho các công trình. 

 

Lãnh đạo các địa phương như huyện Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh đều khẳng định sẽ cân đối ngân sách, kêu gọi hỗ trợ vốn từ xã hội hóa để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, trong đó tập trung cho các công trình cấp bách, xuống cấp gây khó khăn cho đời sống của người dân… 


Thanh Mai

Top