TPHCM học gì ở “thành phố xanh” Kitakyushu

23/03/2018 9:06 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/3, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Đoàn đại biểu cấp cao T PHCM đã đến tham quan trung tâm lọc nước Nikki, nhà máy xử lý nước Honjo, chào xã giao ông Kitahashi Kenji, Thị trưởng Thành phố Kitakyushu.

Hệ thống lọc nước tại Nhà máy xử lý nước thải Honjo. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Theo ông Kitahashi Kenji, Thị trưởng Thành phố Kitakyushu, trước đây thành phố bị ô nhiễm và ngập nước nặng nề nhưng sau đó nhờ triển khai nhiều giải pháp nên đã khắc phục được 2 vấn nạn này, xây dựng thành công “thành phố xanh” và là một trong 4 thành phố công nghiệp của Nhật Bản.

Từ năm 2006, Thành phố Kitakyushu đã xử lý tới 99,8% nước thải trước khi thải ra môi trường. Hiện mỗi ngày Thành phố Kitakyushu xử lý 170 tấn bùn, trong đó 70 tấn được xử lý thành nhiên liệu có tính chất than đá, phục vụ ngành công nghiệp.

“Mô hình xử lý nước thải bằng công nghệ U-BCF sử dụng than hoạt tính và vi sinh để lọc nước đã giảm chi phí giảm tới 1/2 so với sử dụng ozon. Mô hình này cũng đã được Thành phố Kitakyushu triển khai thành công ở nhiều thành phố ở Châu Á và đang xem xét hỗ trợ cho TPHCM”, ông Kitahashi Kenji chia sẻ thêm.

Đoàn đại biểu TPHCM chụp ảnh chung với lãnh đạo Thành phố Kitakyushu. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, với nhiều biện pháp cải thiện môi trường hiệu quả, Kitakyushu đã chuyển mình từ “thành phố xám” sang “thành phố xanh”. Cùng với đó, Thành phố Kitakyushu đã triển khai chương trình “thành phố sinh thái” nhằm tái chế tài nguyên sử dụng làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp.

Đây kinh nghiệm quý cho TPHCM trong việc kéo giảm ô nhiễm môi trường, chống ngập nước và xử lý rác thải. Hiện nay mỗi ngày thành phố thải khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt và 76% trong số này phải chôn lấp. Thành phố cũng chỉ mới xử lý được 8% nước thải, còn lại vẫn phải thoát trực tiếp ra môi trường.

Nam Đàn (từ Kitakyushu, Nhật Bản)

Top