TPHCM kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về đầu tư nước ngoài

18/02/2012 9:25 AM

UBND TPHCM vừa có văn bản tổng kết, báo cáo chuyên đề việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại TP.

 

Theo báo cáo của UBND TP, tính từ năm 1988 đến ngày 31/12/2010, tổng số dự án đăng ký được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn TP là 3.876 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 29,68 tỷ USD. Tình hình thực hiện vốn đầu tư đã đăng ký là 12,4 tỷ USD, đạt gần 42,4% so với tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Nhìn chung, số lượng các dự án không triển khai chiếm tỉ lệ không cao so với tổng số dự án đã đăng ký. Do đó, số lượng các dự án và nguồn vốn ĐTNN vào TP vẫn tăng qua từng năm.
Báo cáo nhận định, nguồn vốn ĐTNN đã có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của TP. Cụ thể, ĐTNN đã góp phần làm thu hẹp, giảm tỷ trọng của một số ngành và thay đổi cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao tay nghề và trình độ quản lý doanh nghiệp cho người lao động, qua đó góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của thị trường lao động TP; nâng cao đời sống của người dân; nâng cao chất lượng giáo dục và y tế của TP; là động lực mạnh, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ĐTNN tại TP còn nhiều bất cập, vướng mắc do một số nguyên nhân sau: Các chủ trương, chính sách quan trọng chưa được thể chế hóa một cách kịp thời thành pháp luật, cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện. Pháp luật và văn bản liên quan về ĐTNN chưa đủ minh bạch, rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế có chú ý tới điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam…
UBND TP kiến nghị Trung ương cần tiếp tục kế thừa những quan điểm, nội dung của Hiến pháp như: Việc chính thức công nhận kinh tế có vốn ĐTNN là một thành phần của kinh tế Việt Nam bên cạnh các thành phần kinh tế khác tại Điều 16, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thể hiện sự nhìn nhận của Đảng và Nhà nước ta với kinh tế có vốn ĐTNN như là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để kinh tế có vốn ĐTNN được đối xử tương tự như các thành phần kinh tế khác…
UBND TP cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp như sửa đổi, bổ sung Điều 16 theo hướng bảo đảm nguyên tắc các thành phần kinh tế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là bình đẳng trước pháp luật để thu hút được các nhà ĐTNN có năng lực, kinh nghiệm và có nhu cầu thực sự đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần chọn lọc những ngành nghề kinh doanh, đầu tư có lợi cho sự phát triển lâu dài của kinh tế, môi trường và an sinh xã hội; sửa đổi, bổ sung Điều 25 và Điều 75 theo hướng đảm bảo việc các văn bản pháp luật khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước đầu tư được ban hành theo đúng tinh thần của Hiến pháp và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chính sách thống nhất, đoàn kết dân tộc; sửa đổi, bổ sung quy định thành phần kinh tế có vốn ĐTNN cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ liên quan đến chính sách đất đai, bất động sản… như các thành phần kinh tế khác với điều kiện vẫn đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Ngoài ra, TP kiến nghị những vấn đề mới cần được đưa vào Hiến pháp sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới. Đó là bổ sung thêm một vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước, ĐTNN và đầu tư từ trong nước ra nước ngoài, trong đó khẳng định Nhà nước khuyến khích tất cả các hình thức đầu tư có lợi cho nền kinh tế đất nước và phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bổ sung thêm quy định cho các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM có cơ chế đặc thù theo hướng mở rộng thẩm quyền, phân cấp cho TP trong một số hoạt động…
 
MT
Top