TPHCM: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,72%

24/06/2014 1:40 PM

Theo báo cáo của UBND TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 6-2014 ước đạt 2,646 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 13,9% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,182 tỷ USD, tăng 5,72% so với cùng kỳ.

 

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: hạt tiêu; gạo; rau quả; cà phê; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thủy sản; giày dép; hàng dệt may. Một số mặt hàng giảm như: cao su do nguồn cung cao su trên thị trường thế giới tăng cao so nhu cầu; máy tính và sản phẩm điện tử do một số doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đầu tư máy móc, thiết bị để chuyển đổi công nghệ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 2,302 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,44 tỷ USD, giảm 2,2%. Chủ yếu nhập nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất như: nhiên liệu, hóa chất, dược phẩm, chất dẻo, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày. Một số mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc và có khả năng bị ảnh hưởng tác động từ tình hình biển Đông như: nguyên liệu vải; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; thuốc trừ sâu; sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Lãnh đạo thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội các ngành nghề để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư để giữ vững thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đa dạng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt thị trường nội địa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thành phố cũng đã tập trung phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của thành phố; đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; kiến nghị Chính phủ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng cần kiểm soát và mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
Cũng theo báo cáo của UBND TP, diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông từ đầu tháng 5-2014 đến nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố, đặc biệt là một số các mặt hàng có tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn với thị trường Trung Quốc như gạo, rau quả, nguyên liệu vải, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Lãnh đạo thành phố đã tổ chức gặp gỡ các Lãnh sự quán; tiến hành nhiều cuộc họp và chỉ đạo các ngành, các cấp, hiệp hội doanh nghiệp, gặp gỡ các giới đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn thành phố… Kết quả đã nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, trật tự an toàn xã hội; đang chỉ đạo tăng cường xúc tiến đầu tư, tìm thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường; đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ.
UBND TP nhận định, nhìn chung, những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là những cơ hội để doanh nghiệp thành phố chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực; đặc biệt, trong thời điểm hiện nay cần chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
MT
Top