TPHCM làm rõ cơ sở pháp lý về xử phạt đối với các trường hợp sai phạm, lấn chiếm hành lang trên bờ sông, kênh rạch

15/05/2014 10:30 AM

Chiều 14-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở ngành và quận huyện về kết quả kiểm tra tình hình sai phạm, lấn chiếm hành lang trên bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP.

 Tình hình sai phạm, lấn chiếm hành lang trên bờ sông, kênh rạch trên địa bàn

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, tình hình sai phạm, lấn chiếm hành lang trên bờ sông, kênh rạch của các công trình, nhà ở nằm trên và trong hành lang an toàn kênh rạch chia làm 2 mốc thời gian trước khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UB ngày 9/6/2004 và sau thời điểm này.

Theo đó, trước khi có Quyết định 150 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch, toàn TP còn có 18.026 trường hợp nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch và đã xử lý 2.047 trường hợp. Sau thời điểm ban hành quyết định 150 đã có 1.860 trường hợp nhà ở, công trình vi phạm xây dựng hành lang an toàn sông, kênh, rạch. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý 522 trường hợp, còn lại 1.338 trường hợp chưa xử lý.

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là cải tạo, sửa chữa nhà không phù hợp nội dung chấp thuận của cơ quan quản lý như  thay đổi kết cấu chính từ cột cây, vách mái sang tường gạch, gia cố móng bằng bê tông cốt thép, cơi nới gia tăng diện tích, sang lấp, lấn chiếm, gia cố bờ kè để giữ đất.

 

Nhiều nhà người dân sống trên kênh rạch vi phạm hành lang bảo vệ

Các cơ quan chức năng chưa kiên quyết trong việc xử lý vi phạm

Theo Sở Xây dựng TP, tình trạng vi phạm kéo dài, nguyên nhân là nhiều trường hợp xác định và xử lý hành vi vi phạm chưa kiên quyết của các địa phương. Cụ thể, sau khi có Quyết định 150 các cơ quan chức năng chưa kiên quyết xử lý, chưa cưỡng chế tháo dỡ khi phát hiện vi phạm cũng như không ban hành quy định mép bờ cao để xác định chỉ giới bờ sông; chưa kịp cắm mốc giới nên các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Công tác phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Ngoài ra, các tuyến kênh rạch đều thay đổi theo thời gian do dòng chảy có bên bồi, bên lở liên tục khiến mép bờ cao thay đổi cũng là nguyên nhân khách quan bị động trong việc xử lý.

Kiến nghị hướng giải quyết

Đề xuất hướng giải quyết với lãnh đạo TP, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho rằng trong trường hợp các công trình vi phạm có trước Quyết định 150 thì cho tồn tại theo hiện trạng căn nhà nhưng không thay đổi diện tích xây dựng, kết cấu nhà cũ để chống sập, sạt lở. Nếu nhà ở xuống cấp, có nhu cầu gia cố, sửa chữa thì phạm vi tính từ mép bờ cao vào 20 m được sửa chữa cải tạo theo nguyên trạng, từ 20-50 m cho cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc cấp phép xây dựng tạm với quy mô 1 tầng.

Còn các trường hợp công trình vi phạm sau Quyết định 150, giao UBND quận, huyện vận động người dân tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp không tự tháo dỡ thì cương quyết cưỡng chế xử lý theo quy định.

Làm rõ cơ sở pháp lý về xử phạt đối với các trường hợp tồn tại trước và sau Quyết định 150

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các sở - ngành liên quan làm rõ cơ sở pháp lý về xử phạt đối với các trường hợp đã tồn tại trước khi có Quyết định 150 nhằm giải quyết nơi ở và các bức xúc cho người dân. Đối với các trường hợp vi phạm sau Quyết định 150 nếu đã có quy định xử phạt nhưng vẫn lấn chiếm thì phải xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch cho rằng, với các trường hợp tồn tại trước Quyết định 150, trong thời gian TP chưa có kế hoạch di dời,các trường hợp nhà, công trình xây dựng trên kênh rạch thì phải kiểm tra và xử lý tháo dỡ; đối với nhà xây dựng trong hành lang an toàn kênh rạch, nếu không có căn cứ để xử lý thì phải công nhận cho người dân, cấp phép xây dựng và sửa chữa theo nguyên trạng khi người dân có nhu cầu.

Đối với các dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500, duyệt kế hoạch đầu tư, cấp phép xây dựng mà chưa xây dựng, nay đối chiếu theo Quyết định 150 thì “vi phạm” thì vẫn theo hướng dẫn của Quyết định 150 là được triển khai đầu tư xây dựng theo đúng quy mô công trình đã được duyệt nhưng lưu ý tuyệt đối không xây sát mép bờ cao, phải có khoảng cách từ 5-10 m để tránh sạt lở và bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng người dân.

Phó Chủ tịch cũng cho biết sẽ xin ý kiến của tập thể lãnh đạo UBND TP để sớm giải quyết những trường hợp quá nhiều công trình xây dựng trên hành lang trên bờ sông, kênh rạch như Quận 2 và vấn đề xây dựng tạm trên đất trống trong hành lang,

 

Thanh Mai 

Top