TPHCM nêu 4 nhóm vấn đề cần tháo gỡ cho các dự án ODA

30/06/2020 8:25 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/6, trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh với UBND TPHCM về các dự án sử dụng vốn ODA, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan đã nêu ra 4 nhóm vấn đề cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án ODA trên địa bàn Thành phố. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tuyến metro số 1 của TPHCM

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát tuyến metro số 1 trong sáng 29/6. Ảnh: VGP/Hải Minh

Mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của cả nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp. Do đó, một trong những mục tiêu đặt ra hiện nay của Chính phủ là tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA.

Việc giải quyết khó khăn trong giải ngân vốn ODA của TPHCM cũng xem như tháo gỡ cho cả nước. Bởi TPHCM có nhiều dự án ODA nhất cả nước, có tới 9 dự án lớn, chiếm khoảng 70% trong tống số vốn ODA giai đoạn 2016-2020, hơn 6 tỉ USD.

Đánh giá cao nỗ lực của TPHCM thời gian qua rất tập trung, tích cực chia sẻ với Chính phủ trong thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, 6 tháng, TP giải ngân ODA mới đạt 10,31%, vốn ODA cấp phát đạt khoảng 20%, vốn vay lại 5,3%, tổng thể chỉ đạt khoảng 1/5 kế hoạch giao vốn.

Thậm chí, Phó Thủ tướng đã dẫn ra một số dự án ODA của TP còn chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp như dự án cải thiện môi trường TP; Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2…

Trong báo cáo các dự án sử dụng vốn ODA của TP, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài, tổng vốn đầu tư 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 102.732 tỷ đồng, vốn đối ứng 19.835 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường.

Thừa nhận tình hình giải ngân vốn ODA của TP rất chậm, ông Hoan dẫn ra một số nguyên nhân do một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án. Trong đó có tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

“Các dự án tuyến Metro số 1 và Metro số 2 mới được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, do vậy hai dự án này mới trong quá trình tổ chức đấu thầu và một số gói thầu đã bị hủy và tổ chức đấu thầu lại”, ông Hoan cho biết thêm, thời gian thực hiện dự án bị kéo dài  nên cũng dẫn đến việc phải đàm phán hợp đồng đã ký để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến các hạng mục công trình của Metro 1, chuyên gia và hàng hóa chưa về kịp.

Ông Võ Văn Hoan đánh giá, vốn ODA là nguồn lực quan trọng để TPHCM thực hiện các dự án trọng điểm, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và giải ùn tắt giao thông, giảm ngập nước.... Tuy nhiên, thời gian qua Thành phố cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, TP đề xuất 4 nhóm vấn đề cần gải quyết.

Cụ thể, ở nhóm các dự án sử dụng vốn trung hạn, đối với tuyến đường sắt Metro số 1, TPHCM kiến nghị các Bộ, ngành sớm có ý kiến về sử dụng đồng Yên (Nhật Bản) hay VNĐ trong thực hiện dự án. Trước đây, các Bộ cũng nhất trí cao trong giải pháp sử dụng đồng Yên, nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn. Ông Võ Văn Hoan cho rằng, việc không thống nhất giữa các bộ, ngành đã ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển của TP. Ông Hoan cũng đề nghị trong nguồn vốn dự phòng có hơn 3 ngàn tỷ đồng chưa giải ngân, nếu như số tiền này được sử dụng thì xin bố trí trung hạn, không chờ bố trí cho năm sau.

Đối với dự án tuyến metro số 2 hiện cũng đang khó khăn giải phóng mặt bằng do đội chi phí. Thời điểm TPHCM lập và trình dự án là năm 2015. Tuy nhiên, thời điểm TPHCM ký hợp đồng với các nhà đầu tư là vào năm 2019, nhiều yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư. Hiện gói xây lắp chưa có vấn đề gì, tuy nhiên bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.400 tỷ nhưng khi tổ chức thẩm định giá lần cuối vào năm 2020, ban hành hệ số điều chỉnh giá và tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỷ.

"Nếu bổ sung thêm 500 tỷ này thì vượt quá khỏi khung mà Trung ương đã duyệt trước đó, vậy thì có phải xin ý kiến Quốc hội hay không? HĐND Thành phố xem xét bổ sung thêm 500 tỷ để sử dụng trong bồi thường giải phóng mặt bằng thì vấn đề này có phải xin ý kiến Trung ương hay không?", ông Hoan nêu vấn đề.

Ở nhóm các dự án liên quan đến sử dụng vốn dư, TP kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản cho TP sử dụng vốn dư khoảng 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn 2.

Nhóm vấn đề thứ ba là vấn đề liên quan đến hiệp định vay. TPHCM kiến nghị Bộ Tài Chính sớm có văn bản xem xét điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay Ngân hàng Thế giới đến ngày 30/9/2027, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án theo hồ sơ mà Thành phố đã đề nghị.

Nhóm vấn đề cuối cùng là đề xuất cho dự án mới giai đoạn 2021 - 2025. Ông Hoan cho biết, hiện nay, TPHCM đã vận động được 4 dự án mới, trong đó có 2 dự án gửi các bộ trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các bộ.

Hiện lĩnh vực giao thông TP đang đứng trước thách thức, áp lực dân số tăng nhanh, nhưng hạ tầng không đồng bộ, các dự án ODA về hạ tầng giao thông khi được đẩy nhanh tiến độ sẽ giải quyết được vấn đề này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt TPHCM. Ảnh: VGP/Hải Minh

Còn theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, việc giải ngân chậm do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Điển hình như vấn đề thống nhất sử dụng tiền Yên Nhật hay VNĐ, từ tháng 5/2019, UBND thành phố có văn bản xin ý kiến các bộ. Ba tháng sau Bộ Tài chính trả lời, nhưng chưa có ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chưa giải quyết được. Cuối năm ngoái, thành phố lại gửi văn bản cho hai bộ nhưng vẫn chưa được trả lời nên tháng 4 vừa rồi tiếp tục xin ý kiến.

"Mong thời gian sắp tới, sau khi Phó Thủ tướng có kết luận, các bộ ngành Trung ương quan tâm giải quyết sớm các vướng mắc của thành phố để đẩy nhanh tiến độ các dự án", ông Phong nói.

Một trong những yếu tố liên quan đến tiến độ của các dự án sử dụng ODA như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, là chuyên gia nước ngoài. TPHCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc biệt cho phép 83 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để thực hiện dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch.

Với đề xuất này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng có thể giải quyết ngay và không chỉ chuyên gia của tuyến Metro số 1, mà của các dự án nước  ngoài, kể cả đầu tư FDI. Phó Thủ tướng lưu ý, nếu chuyên gia của dự án Metro số 1 đông thì có thể tổ chức cách ly ngay tại công trường. Đây cũng là phương án giải quyết cho chuyên gia của các tập đoàn lớn như Samsung.

Về đồng tiền trong vốn vay thực hiện dự án của Nhật Bản, Phó Thủ tướng thống nhất sử dụng đồng Yên Nhật Bản vì hiệp định vay bằng tiền Yên và hoàn trả sau này cũng là tiền Yên.

Các vấn đề liên quan đến tuyến Metro số 2, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ Thành phố làm việc với ngân hàng của Đức, chọn tư vấn, chỉ định đấu thầu…

Đối với các dự án ở giai đoạn 2021-2026, Phó Thủ tướng đề nghị TP cân nhắc rất kỹ vì cơ bản không có nguồn vốn vay ODA, chủ yếu là vốn vay ưu đãi. “TPHCM trong nhóm vay lại 100%, do đó cân nhắc kỹ việc vay, hiệu quả như thế nào”, Phó Thủ tướng đưa ra gợi ý có thể vay trái phiếu trong nước và nên đánh giá lại hiệu quả các dự án sử dụng nguồn ODA mà TP đã hoàn thành.

Băng Tâm

Top