TPHCM: Nhiều bài học từ 40 năm xây dựng và phát triển

20/03/2015 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Nhìn lại quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, cùng cả nước thực hiện đổi mới, TPHCM đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu to lớn. Trong dòng chảy lịch sử ấy, nhiều kinh nghiệm quý giá về xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội cũng đã được đúc kết.

TPHCM ngày nay là đô thị phát triển văn minh, hiện đại.
Ảnh VGP/Phan Hoàng

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa TPHCM bước vào thời kỳ phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội, thời cơ nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. “Đây là lần đầu tiên người dân phải ăn cơm trộn bo bo, bột mì, khoai sắn...”, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từng nhận định như vậy khi nói về thời điểm khó khăn nhất của Thành phố trong giai đoạn từ 1979-1980.

Sau chiến tranh, trong điều kiện bị bao vây, cấm vận hết sức khó khăn khắc nghiệt, cộng thêm cơ chế tập trung, bao cấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, kinh tế Thành phố khủng hoảng, hàng hóa thiếu hụt, nguyên liệu vật tư cạn kiệt… Đỉnh điểm của sự khủng hoảng kinh tế tại Thành phố vào những năm 1979-1980 kéo theo sự khủng hoảng niềm tin trong quần chúng.

Tập thể lãnh đạo Thành phố lúc bấy giờ - tiêu biểu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó đang là Bí thư và Chủ tịch UBND TPHCM) - đã không quản ngại xa xôi, vất vả, “đôn đáo” ngược xuôi, chạy gạo và thực phẩm, hết lòng lo từng bữa ăn cho người dân.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có kể lại một câu chuyện vui, đó là khi ông còn làm Chủ tịch Thành phố, khi xuống đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để chạy lương thực, thực phẩm cho nhân dân, lãnh đạo các địa phương còn gọi vui, đặt cho ông biệt danh là "Chủ tịch Gạo".

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong bối cảnh lịch sử, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, then chốt là ổn định tình hình chính trị-xã hội để cùng cả nước triển khai thực hiện chiến lược mới nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước.

Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực cùng với Đảng bộ Thành phố ra sức khắc phục khó khăn, tìm tòi hướng suy nghĩ mới, cách làm ăn mới, phát triển những mô hình mới. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm”, “Thành phố và quận cùng lo”, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, được phổ biến và nhân rộng nhanh chóng.

Trải qua 40 năm, Đảng bộ TPHCM đã bước qua hai chặng đường lịch sử: Mười năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ đã hướng mục tiêu hoạt động của mình vào việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế-xã hội bức xúc. Ba thập niên kế tiếp, Đảng bộ và nhân dân Thành phố cùng cả nước tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bằng quyết tâm xây dựng Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, đến nay, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Điều đó cũng chứng minh TPHCM là điển hình thành công trong việc phát huy tốt lợi thế của Thành phố lớn với nhiều trung tâm quan trọng (chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học…) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Nói về vai trò của TPHCM trong quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh vào bài học “xé rào” để tìm chân lý từ thực tiễn cuộc sống.

TS. Trần Du Lịch cho biết, trong bối cảnh kinh tế-xã hội gặp nhiều thách thức, từ thực tế sản xuất, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức Nhà nước “tự cứu” với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm" để "bung ra" sản xuất, thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế bao cấp.

Thành phố đã chủ động “đỡ đầu”  để một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện “Kế hoạch B”, mà thực chất là tự tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời mạnh dạn vay ngoại tệ, nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất nhập khẩu để tự cân đối, tích lãi, tái đầu tư, chủ động liên kết với các địa phương lân cận để tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp dành cho xuất khẩu...

Từ đó, một khí thế mới, phong trào mới đã diễn ra trên khắp Thành phố. Hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến xuất hiện như Công ty bột giặt miền Nam (Viso), Xí nghiệp thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Dệt Thắng Lợi, Dệt Phong Phú... đã kịp thời bổ sung hàng hóa, cải tiến thị trường, đóng góp tích cực đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Thời điểm lúc bấy giờ, dù phải hứng chịu nhiều phê phán, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thành ủy, chính quyền và toàn thể người dân TPHCM vẫn kiên trì quán triệt phương châm “đổi mới xuất phát từ thực tiễn”, dùng thực tiễn để chứng minh những sai lầm của việc duy ý chí.

Kết quả, trong giai đoạn từ năm 1981-1985, kinh tế của Thành phố đã có bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4,58% một năm, cao hơn nhiều so với con số 0,91% trong giai đoạn 1976-1980.

Theo TS. Trần Du Lịch, chính tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, không chịu bó tay trước những trói buộc của tập thể lãnh đạo Thành phố lúc bấy giờ là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thừa nhận quan hệ sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Bằng thực tiễn sinh động, TPHCM không những tìm ra con đường phát triển kinh tế phù hợp, mà còn góp phần quan trọng tạo tiền đề cho nội dung đổi mới trên toàn quốc sau này.

Xây dựng “thế trận lòng dân”

Nhấn mạnh về “dấu ấn” của nhân dân, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định vai trò của người dân in rất đậm trong từng bước phát triển của Thành phố.

Những năm trước đổi mới, từ thực tiễn cuộc sống, người dân đã cống hiến nhiều sáng kiến, cách thức đổi mới mô hình sản xuất hiệu quả; cùng Nhà nước thực hiện chủ trương xã hội hóa để vực dậy nền kinh tế Thành phố vốn đang dần kiệt quệ.

Người dân cũng luôn sát cánh với lãnh đạo Thành phố giải quyết các vấn đề xã hội, khởi xướng nhiều phong trào ý nghĩa: Đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ bệnh nhân nghèo… làm nên một TPHCM hiện đại nghĩa tình, nhanh chóng lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước.

“Chung tay” cùng Thành phố phát triển đô thị trong thời kỳ 30 năm đổi mới, hàng chục nghìn hộ dân đã hiến đất làm đường, đóng góp tiền của, công sức xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường… từng bước góp phần nâng cấp diện mạo đô thị TPHCM ngày càng khang trang, hiện đại.

Khẳng định tầm quan trọng của “Thế trận lòng dân” trong xây dựng kinh tế-xã hội, bà Phạm Phương Thảo cho rằng, thực tiễn tại TPHCM đã chứng minh, khi lãnh đạo biết lắng nghe, khơi dậy sức sáng tạo thì phong trào quần chúng sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là TPHCM cần tiếp tục phát huy hơn nữa tính dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân, luôn lắng nghe để kịp thời giải quyết thỏa đáng các vấn đề người dân bức xúc bởi “Điều người dân luôn mong mỏi là tập thể lãnh đạo Thành phố sẽ tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách xuất phát từ thực tiễn để xây dựng kinh tế-xã hội đất nước phát triển theo hướng ngày càng bền vững”.

Phan Hoàng

Top