TPHCM: Phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp CNH-HĐN đất nước

21/11/2020 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, Đảng bộ và nhân dân TPHCM tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngày 21/11, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2020).

Ban tổ chức hội thảo cho biết đã nhận được gần 90 báo cáo tham luận khoa học. Mỗi tham luận là một nghiên cứu độc lập đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong hơn một năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ, bắt đầu từ dấu mốc lịch sử ngày 23/9/1945.

Thông qua các bài tham luận, hội thảo đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc, tái hiện, làm nổi bật cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Nam Bộ; làm rõ tinh thần dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được biểu hiện trong quá trình Nam Bộ kháng chiến; khẳng định và nêu bật tầm vóc ý nghĩa của sự kiện Nam Bộ mở  đầu cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đặc biệt, Nam Bộ kháng chiến thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam Bộ; đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nội dung được nhiều tham luận đề cập và có sự phân tích, luận giải sâu sắc.

Ngay sau khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tổ chức hội nghị tại đường Cây Mai bàn chủ trương đối phó với quân xâm lược. Trong điều kiện không thể liên lạc và xin ý kiến trực tiếp của Trung ương Đảng, đứng trước tình hình rất khẩn trương, Xứ ủy Nam Bộ và đại diện của Trung ương Đảng đã thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng và đi đến thống nhất chủ trương: Phát động quân và dân Nam Bộ đứng lên chống quân xâm lược Pháp, đồng thời, báo cáo xin chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết nghị thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; lập tức phát động nhân dân quyết tâm kháng chiến, sử dụng bạo lực cách mạng chống quân xâm lược. Đây là quyết định thể hiện tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Xứ ủy Nam Bộ trước Đảng, trước vận mệnh của dân tộc. Quyết tâm đó chứng tỏ Xứ ủy Nam Bộ vững tin vào tinh thần và khả năng cách mạng của nhân dân Nam Bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Chủ trương và quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ đã nhận được sự đồng tình của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tối 23/9/1945 đã nhất trí với đề xuất của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng chỉ đạo tổ chức lực lượng chi viện miền Nam, kêu gọi nhân dân cả nước hướng về miền Nam, lệnh cho các đội quân “Nam tiến” khẩn trương lên đường vào Nam chiến đấu.

Tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23/9/21945  là trang sử oanh liệt mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại.

Với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đồng bào Nam Bộ, nòng cốt là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng lên chiến đấu, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Khi chiến sự mở rộng ra cả Nam Bộ, Nam Trung Bộ, quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ tiếp tục anh dũng chiến đấu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, hàng vạn thanh niên đã xung phong nhập ngũ. Cuộc chiến đấu đó không những đã làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp mà còn chứng tỏ sức mạnh của nền dân chủ mới và  ý chí bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân miền Nam ngay từ đầu đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và sự hưởng ứng, chi viện tích cực của quân, dân miền Bắc cùng kiều bào ở nước ngoài.

Nhiều tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung trên và khẳng định: Ngay trong những ngày đầu quân và dân Nam Bộ đứng lên chống thực dân  Pháp xâm lược, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết dân tộc bằng những hành động thiết thực. Đó là nét tiêu biểu của Nam Bộ kháng chiến và cũng là cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc đụng đầu với thực dân Pháp.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chia sẻ tại hội thảo, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ  ở Nam Bộ, Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một, luôn kiên quyết giữ vững mục tiêu của cách mạng; kịp thời chỉ  đạo Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, động viên tinh thần nhân dân Nam Bộ; tổ chức các đội quân “Nam tiến” khẩn trương lên đường vào Nam chiến đấu.

Điều đó thể hiện qua việc Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân cả nước “Phải trút toàn lực vào đó. Hy sinh hết thảy vì kháng chiến, hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam”, chi viện sức người, sức của cho nhân dân Nam Bộ. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, đáp lại “tiếng kêu sơn hà nguy biến” từ Nam Bộ, quân và dân các địa phương trên cả nước nhanh chóng hướng về Sài Gòn - Chợ Lớn, hướng về Nam Bộ.

Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra sôi nổi với những khẩu hiệu biểu thị lòng phẫn nộ, quyết tâm sát cánh cùng nhân dân Nam Bộ như: “Kiên quyết giành độc lập”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”… Các địa phương tổ chức phát động: “Quỹ ủng hộ Nam Bộ”, “Tuần lễ ủng hộ Nam Bộ”… Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tỉnh nào cũng thành lập Phòng Nam Bộ để tiếp nhận tiền bạc, thuốc men, lương thực... do nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ quân và dân Nam Bộ.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Những bài học lịch sử

Tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ phòng nhấn mạnh, mặc dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do, thể hiện hình ảnh cao đẹp của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”. Trong 15 tháng, cuộc chiến đấu ở Nam bộ và cực Nam Trung Bộ đã tạo ra tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này.

Đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh mới của lịch sử. Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phân tích, luận giải sâu sắc và toàn diện những vấn đề từ thực tiễn lịch sử, đặc biệt là tinh thần, ý chí bảo vệ độc lập tự do và hào khí Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long trong những ngày mở đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, nhiều tham luận đã khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần to lớn, đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm quý. Cuộc chiến đấu đó có ý nghĩa to lớn, ngăn chặn một bước, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc; đồng thời tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang khẳng định, tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”, TPHCM hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thủ thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chiến biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Từ cuộc hội thảo này, TPHCM sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh; khát vọng độc lập, tự do của miền Nam “đi trước, về sau”; sự ủng hộ của cả nước luôn hướng về miền Nam ruột thịt.

Đảng bộ và nhân dân TPHCM nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

Mạnh Hùng

Top