TPHCM rút ra bài học gì từ vụ nhà hát 1.500 tỷ?

16/10/2018 9:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nói về dự án nhà hát thành phố dự kiến triển khai tại Thủ Thiêm với quy mô 1.500 tỷ đồng , Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mặc dù t hành phố có đầy đủ thông tin nhưng do chưa chủ động cung cấp đã khiến dư luận băn khoăn.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Đảm bảo không vì dự án nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm”. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khoá X, chiều ngày 18/10, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trước khi thông qua dự án nhà hát thành phố (được triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô 1.500 tỷ đồng), TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát hiện trường cũng như làm việc với sở, ngành chức năng. 

Tuy nhiên, đến nay dư luận vẫn đang có nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều là do công tác truyền thông, định hướng thông tin chưa tốt.

Về kinh phí làm dự án, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tiền đền bù cho người dân tại dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm và tiền làm nhà hát tại Thủ Thiêm là 2 nguồn khác nhau, thuộc 2 cơ chế khác nhau.

Đối với việc đền bù cho người dân tại KĐTM Thủ Thiêm, thành phố đang xây dựng 11 giải pháp thực hiện sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, sau đó sẽ gặp người dân trao đổi, tìm sự đồng thuận rồi mới ban hành. Số tiền đền bù cho người dân được lấy từ ngân sách, không liên quan đến tiền làm nhà hát.

Trong khi đó, tiền làm nhà hát được giữ lại từ mấy năm trước, từ việc bán đất. Vì thế tiền để xây dựng nhà hát không ảnh hưởng đến tiền đền bù cho người dân, đồng thời thành phố đảm bảo không vì làm nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho người dân.

Về vấn đề đối tượng phục vụ của nhà hát dự kiến xây tại KĐTM Thủ Thiêm, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho hay, hơn 100 năm trước, người Pháp xây dựng nhà hát thành phố hiện nay để phục vụ cho khoảng 100.000 người dân vào thời điểm đó. Tuy nhiên đến nay thành phố có khoảng 10 triệu người, bao gồm 5 triệu lao động, và trong đó khoảng 30% có trình độ đại học, cao đẳng và khoảng 100.000 người nước ngoài đang sinh sống.

Vì vậy, việc xây dựng nhà hát, bên cạnh việc thoả mãn nhu cầu trực tiếp còn là chỗ đào tạo dần về nhạc giao hưởng, opera, nơi giao lưu quốc tế, tổ chức các sự kiện quan trọng. Mặt khác, thành phố cũng giảm được khoản 900 triệu đồng đang chu cấp mỗi năm để các đoàn của nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố đi thuê mướn nơi tập.

Đối với vấn đề quy hoạch dự án, theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025, trong đó có công trình trọng điểm nhà hát thành phố. Đáng ra, dự án này phải được xây dựng từ năm 2015, nhưng do trước đây, địa điểm xây dựng nhà hát được chọn tại Công viên 23/9, nhưng đường tiếp cận giao thông khó nên thành phố quyết định đưa về KĐTM Thủ Thiêm.

Thêm nữa, tại KĐTM Thủ Thiêm cũng đã có quy quy hoạch công viên bờ sông, quảng trường trung tâm, trung tâm triển lãm, trung tâm tài chính, nên việc có mặt của một nhà hát mới là hoàn toàn tương thích.

Cũng theo Bí thư Thành uỷ TPHCM, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 tiền xây dựng trường hợc và bệnh viện lên đến 34.633 tỷ, gấp 23 lần tiền xây dựng nhà hát, nghĩa là tiền xây nhà hát chỉ bằng 4,3% so với tiền xây dựng trường học, bệnh viện.

Tiền xây dựng trường học, bệnh viện của 3 nhiệm kỳ gần đây cũng lên tới 57.860 tỷ đồng, cao gấp 38 lần so với xây nhà hát. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố 3 nhiệm kỳ gần đây là 355.000 tỷ đồng thì tiền xây dựng nhà hát chỉ chiếm 0,4%.

Bí thư Thành ủy cho rằng, mặc dù số tiền làm dự án nhà hát không phải là nhỏ nhưng thành phố đã có kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên qua vụ việc này, thành phố cũng rút ra bài học. Đó là có thông tin đầy đủ nhưng chưa chủ động thông tin cho dư luận trong thời điểm nhạy cảm. Do vậy, sắp tới Ban Tuyên giáo thành phố, Thường trực UBND và HĐND thành phố sẽ phải ký kết chương trình truyền thông trước và sau mỗi kỳ họp để thông tin, tạo sự đồng thuận dư luận về các nội dung liên quan.

Nam Đàn

Top