TPHCM sẽ có chương trình phát triển nhân lực quốc tế

16/08/2019 8:09 AM

(Chinhphu.vn) - TPHCM đang có lực lượng lao động dồi dào với nền tảng đào tạo tốt và có khả năng tiếp thu nhanh, vì vậy, chỉ cần có cách phát triển đúng hướng, nguồn lao động này vừa có thể phục vụ được nhu cầu trong nước, vừa trở thành nguồn lực xuất khẩu lao động chất lượng cao.

Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 15/8, phát biểu tại Hội thảo Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020-2030, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực trình độ quốc tế là một trong 7 chương trình đột phát nhằm đưa TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trong thời đại hiện nay, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy tiềm năng cá nhân.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, đối với các trường đại học, thành công không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm việc làm hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế mà còn là sự phát triển bền vừng lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới, sáng tạo của sinh viên trong môi trường hội nhập và quốc tế hoá.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn, trong thời gian qua, hệ thống giáo dục TPHCM đã có nhiều bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Riêng đối với đào tạo nhân lực quốc tế, nguồn tuyển sinh viên còn gặp nhiều khó khăn do sinh viên không đủ trình độ tiếng Anh để theo học, học phí cao hơn chương trình bình thường.

Số lượng chương trình liên kết còn hạn chế, chưa có sự liên kết với nhau. Đội ngũ giảng viên có chuyên môn, có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ hạn chế, trong khi chưa xây dựng được cơ chế thu hút, phát huy năng lực người được đào tạo ở nước ngoài về làm việc cho các cơ sở giáo dục công lập…Thực tế, chưa có khuôn khổ, định hướng cụ thể cho quốc tế hoá giáo dục đại học.

PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TPHCM thì cho rằng, khó khăn chung trong đào tạo quốc tế của các trường đại học Việt Nam là khoảng cách giữa chất lượng nguồn lao động Việt Nam với chuẩn khu vực và thế giới còn khá xa, sự gắn kết giữa trường học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. “Chúng ta cũng chưa có các hiệp hội nghề nghiệp mạnh để tham gia vào quá trình hợp tác và hỗ trợ đào tạo, vì vậy muốn phát triển các cơ sở giáo dục cần phải tích cực, chủ động trong xây dựng mạng lưới đối tác”.

Khẳng định “Nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy đối với nền kinh tế. Vì vậy để phát triển bền vững, PGS.TS. Vũ Hải Quân cho rằng TPHCM nên có cơ chế đặt hàng các đơn vị để đào tạo nhân lực chất lượng cao”.

Theo TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, hiện không chỉ thiếu, mà các cơ chế, chính sách hiện tại nhiều khi còn gây những phức tạp, rào càn trong hợp tác với các đối tác quốc tế, vì vậy điều cần nhất là phải có khung pháp lý cởi mở, rõ ràng để thuận lợi cho các trường khi hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới chất lượng học thuật của các chương trình học, tăng cường hợp tác quốc tế có chọn lọc, trọng tâm có hệ thống và tuân thủ nghiêm ngặt mục tiêu chất lượng.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định quốc tế hoá giáo dục đại học là phương pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế.

“Ngay từ lúc này cần tập trung cho các hoạt động hợp tác quốc tế của các trường đại học, điều này giúp tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng và khả năng đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng tạo ra sức ép đổi mới hệ thống giáo dục”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt cho biết.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt, đã đến lúc cần chiến lược quốc gia về vấn đề này với một bộ phận chuyên trách về quảng bá chương trình giáo dục quốc tế, xây dựng trụ sở ở nước ngoài, tăng cường ký kết các hiệp định song phương đa phương thời hạn dài, đồng thời xây dựng hệ thống để giám sát và đo lường hiệu quả của hoạt động này…

Để thu hút giảng viên sinh viên quốc tế đến làm việc, học tập cần chú trọng chính sách hỗ trợ visa: Tinh giản thủ tục, rút ngắn thời gian cấp, cung cấp các thông tin về chỗ ở, môi trường làm việc và hỗ trợ người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Theo ông Alan Malcolm, Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson, công nghệ có thể trở thành công cụ để lấp đầy khoảng thiếu hụt người dạy giỏi thông qua các khoá học online, khoá học từ xa. Hơn nữa, công nghệ có khả năng tạo ra các khoá học “đo ni đóng giày” bởi mỗi người có phương pháp, quỹ thời gian, năng lực khác nhau, điều mà giáo dục theo hình thức truyền thống không làm được.

Cải thiện năng lực tiếng Anh cho người dạy và học cũng là yêu cầu bức thiết nếu muốn phát triển nguồn nhân lực quốc tế, phải coi tiếng Anh là công cụ giảng dạy các môn học khác chứ không đơn giản là một ngoại ngữ.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cho rằng thực tế họ không quá quan tâm tới kiến thức hay thành tích học tập mà chỉ chú trọng tới kết quả làm việc của nhân viên. Vì vậy, các trường nên thường xuyên thay đổi chương trình học, cập nhật xu hướng mới, tập trung vào ứng dụng nhiều hơn là lý thuyết thuần tuý. Đồng thời, giảm các kỳ thi lý thuyết mà thay vào đó là đánh giá sinh viên qua các dự án, sản phẩm thực tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM đang có lực lượng lao động dồi dào với nền tảng đào tạo tốt và có khả năng tiếp thu nhanh, vì vậy, chỉ cần có cách phát triển đúng hướng, nguồn lao động này có thể vừa phục vụ được nhu cầu trong nước, vừa trở thành nguồn lực xuất khẩu lao động chất lượng cao.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, không nên quá bi quan vào lực lượng lao động Việt Nam hiện nay, cũng không nên đánh đồng năng suất lao động thấp với trình độ lao động thấp. “Một kỹ sư giỏi mà làm việc thủ công, máy móc thô sơ thì cũng không thể có năng suất cao, trong bài toán nâng cao năng suất lao động, công nghệ mới là cái gốc. Năng suất lao động Việt Nam bằng 8% Singapore, nhưng thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ bằng 7% của họ, nên mức thu nhập trích ra để đầu tư công nghệ cũng thấp, nếu có những công nghệ, thiết bị tốt hơn, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và tăng năng suất lao động”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lý giải.

Trong điều kiện nguồn lực trong nước hạn chế, muốn làm nhanh phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện nhân cũng cho biết sau đây, Thành phố sẽ hình thành Chương trình phát triển nhân lực trình độ quốc tế trong một số lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, truyền thông và trí tuệ nhân tạo; tự động hoá và người máy; y tế; tài chính ngân hàng; du lịch…. với tầm nhìn trong 10 năm tới.

Thu Lê

Top