TPHCM sẽ kiến nghị Trung ương về tỷ lệ ngân sách được giữ lại

22/10/2019 6:19 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Tài chính TPHCM đã làm xong đề án về cơ chế phân chia ngân sách của Trung ương với TPHCM , sắp tới sẽ báo cáo thường vụ Thành ủy và trình Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian sớm nhất.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 22/10, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội TPHCM quý IV, năm 2019, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nhìn lại nhiệm vụ của năm 2019, chỉ tiêu GRDP phải đạt được từ 8,3-8,5%, mà 9 tháng mới ở mức 7,8%, vì vậy 3 tháng còn lại phải phấn đấu mỗi tháng hơn 9% mới đạt được mục tiêu. Đây là thách thức đầy khó khăn, yêu cầu nỗ lực rất cao từ Thành phố, các sở ngành, quận huyện.

Một chỉ tiêu quan trọng nữa để phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh là thu ngân sách, 9 tháng đầu năm Thành phố thu được 74% kế hoạch được giao, so với cùng kỳ là tốt, nhưng đi sâu vào phân tích thì chỉ tiêu thu nội địa còn nhiều vấn đề cần giải pháp mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho hay, một trong những khó khăn, vướng mắc của Thành phố, cũng là tình hình chung của các địa phương khác trên cả nước đó là tình trạng chưa đồng bộ về pháp lý khi triển khai các dự án. Điển hình là những chồng chéo, xung đột trong thực hiện các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Hiện giữa Luật Đầu tư công và Luật Đất đai có một số điều khoản chưa thống nhất, nên trong quá trình thực hiện rất khó khăn; hay Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng…

Vì vậy, khi gặp vấn đề mâu thuẫn, mỗi sở đều giữ quan điểm của mình mà không có sự phối hợp để cùng tháo gỡ, làm trì trệ công việc chung. “Tôi đề nghị với tinh thần vì sự phát triển của Thành phố, vì sự phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, các sở ngành, quận huyện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Tránh tình trạng ‘đá qua đá lại’ làm cho vấn đề kéo dài rất lâu gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo UBND Thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức một số hội thảo về chủ đề nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, hội nghị đánh giá về quy trình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2018-2019 và xây dựng quy trình đầu tư công từ năm 2020, đưa ra các giải pháp khắc phục tình hình giải ngân chậm như hiện nay.

Ngoài ra, môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh phải tiếp tục được hoàn thiện. 9 tháng đầu năm 2019, Thành phố thu hút được hơn 500 triệu USD vốn đầu tư trên tổng số hơn 500 dự án, cho thấy trung bình 1 dự án thu hút được không quá 1 triệu USD. Phần lớn các dự án là dịch vụ nhỏ lẻ, không có dự án lớn, ấn tượng. Phân tích theo ngành, lĩnh vực sản xuất chế biến chiếm tỷ lệ thấp, 2/3 thương vụ là M&A.

Mặt khác, TPHCM chiếm tới 52% số doanh nghiệp cả nước, “chúng ta là đầu tàu kinh tế, nhưng cần đặt câu hỏi sức cạnh tranh như thế nào” khi Thành phố có hơn 300 nghìn doanh nghiệp nhưng đa phần có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 2%.

“Muốn nâng cao sức cạnh tranh thì không còn con đường nào khác là phải xây dựng môi trường hấp dẫn các tập đoàn lớn và mời gọi đầu tư một cách chủ động chứ không ngồi chờ như trước kia. Sở Công thương cần phối hợp với Trung tâm Thương hiệu cạnh tranh, xây dựng chiến lược thương hiệu cho thành phố”.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, kinh tế tư nhân phải được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh đó phải rà soát, nâng cao hiệu quả các DNNN. Sắp tới Thành phố sẽ làm việc với từng DNNN, giải quyết các điểm “nghẽn”, đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá theo đúng lộ trình, tạo điều kiện cho các DNNN phát huy vai trò của mình.

Liên quan đến sự phát triển bền vững của Thành phố, ông Phong cho rằng, những năm qua tỷ lệ ngân sách giữ lại của TPHCM đã giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%, con số này chưa có sự lý giải thoả đáng, trong khi nhu cầu sử dụng ngân sách cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng của Thành phố ngày một lớn. Nhìn lại tất cả các thành phố lớn, tỷ lệ phân chia thấp nhất cũng phải khoảng 30%. Vì vậy, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính lập đề án cụ thể, dưới những cơ sở khoa học, điều kiện thực tế để báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương, kiến nghị tỷ lệ ngân sách giữ lại hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển Thành phố.

“Vừa rồi Sở Tài chính đã làm xong đề án về cơ chế phân chia ngân sách của Trung ương với TPHCM, sắp tới sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy và trình Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian sớm nhất”, ông Phong thông tin.

Đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ, theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, Thành phố hiện còn 124 dự án gặp vướng mắc. Bước đầu có 60 dự án đã hoàn tất thủ tục. Sở TN-MT đang tập trung hỗ trợ tháo gỡ 26 dự án lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục liên quan.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành liên quan rà soát lại, nếu có vướng mắc thuộc UBND Thành phố, cần báo cáo ngay để Thường trực UBND tập trung tháo gỡ, không để tình trạng đình trệ các dự án hiện nay.

“Khi triển khai dự án, các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, chỉ chậm một ngày lãi suất cũng rất lớn. Nếu không cùng các doanh nghiệp giải quyết thì sẽ ảnh hưởng tới dự phát triển của họ, tới môi trường sản xuất kinh doanh, về lâu dài tác động xấu tới sự phát triển chung của Thành phố”.

Thu Lê

Top