TPHCM sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân qua facebook và viber

12/01/2018 4:33 PM

(Chinhphu.vn) - Ngay trong năm 2018, Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM sẽ xây dựng thêm kênh facebook và viber để nhận phản ánh từ công chúng về sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, an ninh trật tự, vận tải…

Người dân TPHCM hiện có thể phản ánh các thông tin đến nhiều cơ quan chức năng thông qua phương thức như: gọi điện, nhắn tin SMS qua tổng đài 1022; thông báo qua email 1022@tphcm.gov.vn, qua cổng thông tin điện tử http://1022.tphcm.gov.vn... và tới đây là qua Facebook và Viber.

Gần 90% phản ánh liên quan đến sự cố giao thông, vận tải

Kể từ khi đi vào vận hành từ tháng 4 năm 2013, hệ thống tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật tại TPHCM qua đầu số 39111333 đã liên tục được mở rộng. Và bước ngoặt nâng cấp lớn được khởi động từ  tháng 8 năm 2017 – khi hệ thống mở ra rất nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân với tên gọi nôm na là “cổng 1022”. Đây được xem là một phần nền tảng của đô thị thông minh khi đã chính thức tạo nên bộ “phông” hiệu quả để nhận phản hồi của người dân về sự cố hạ tầng trên địa bàn.

Người dân hiện có thể phản ánh các thông tin trên đến nhiều cơ quan chức năng thông qua nhiều phương thức như: gọi điện, nhắn tin SMS qua tổng đài 1022; thông báo qua email 1022@tphcm.gov.vn, qua cổng thông tin điện tử http://1022.tphcm.gov.vn, hoặc qua ứng dụng mobile có tích hợp tính năng chụp hình, tự động xác định vị trí sự cố dựa trên định vị của các thiết bị di động thông minh.

“Cổng thông tin 1022” hiện nay là hệ thống nhận thông tin 24/24, “phủ sóng” ở nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, các sự cố về điện lực, viễn thông, vận tải công cộng… Đáng chú ý, thống kê cho thấy, hiện có đến 87% thông tin phản ánh từ người dân liên quan đến các sự cố về giao thông – vận tải.

Theo ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông thuộc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM, trước đây khi sử dụng tổng đài điện thoại để tiếp nhận thông tin, mỗi khi có thêm một đơn vị, sở ngành hoặc thêm một quy trình vào hệ thống thì cần có sự điều chỉnh rất phức tạp do phải liên quan đến đầu tư hạ tầng truyền dẫn, phần cứng mới… Tuy nhiên hiện nay, thế hệ mới của “cổng thông tin 1022” dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã tạo ra “không gian mở” cực lớn để có thể “kết nạp” thêm rất nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau…

Hiện đã có 84 đơn vị trên toàn TPHCM kết nối vào hệ thống này, gồm các sở ngành, 24 UBND quận, huyện, các đơn vị duy tu, quản lý, sở hữu hạ tầng…

Sẽ mở rộng “cổng” 1022 sang cả facebook, viber…

Thực tế là hiện đang có rất nhiều “cổng” khác nhau để người dân tương tác với chính quyền, như: cổng” thông tin quy hoạch, “cổng” thông tin dịch vụ công, đường dây nóng Thành ủy; các quận huyện, sở ngành cũng có cổng thông tin dịch vụ riêng. Điều này khiến người dân phải cài đặt rất nhiều các ứng dụng trên điện thoại, máy tính…

Nhận biết được các bất cập này, Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM đang nghiên cứu đề án xây dựng nền tảng tích hợp tất cả các “cổng” trên vào một hệ thống duy nhất để người dân khi truy cập vào đây có thể liên thông đến tất cả các đơn vị, sở ngành khác nhau…  “Nhiều ‘cổng thông tin điện tử’ quá cũng không ai nhớ nổi, chúng tôi đang tính gom lại thành một cổng chung. Định hướng là phát triển hệ thống 1022 thành cổng chung cho tất cả các đơn vị – tất nhiên cổng riêng của các sở ngành, quận huyện… vẫn hoạt động”, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT khẳng định và cho biết thêm đề án này sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 năm 2018.

Một đột phá khác là ngay trong năm nay, hệ thống 1022 sẽ được kết nối đến mạng xã hội facebook và viber để người dân thuận tiện hơn khi phản ánh thông tin lên chính quyền. “Đây là xu thế tất yếu và là một kênh tương tác rất tự nhiên, rất hiệu quả”, vị đại diện Sở TT& TT TPHCM khẳng định.

Ngoài ra, Sở cũng dự kiến lập “hệ thống tự động đánh giá sự hài lòng của người dân”, một dạng đánh giá kiểu như người tiêu dùng đánh giá dịch vụ của dịch vụ taxi GRAB đối với các đơn vị, sở ngành tham gia hệ thống 1022. Trong tương lai, “cổng” 1022 còn sẽ được tích hợp với hệ thống camera trên khắp Thành phố. Lĩnh vực tiếp nhận thông tin cũng sẽ được mở rộng hơn (vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường…)

Trước mắt, để hạn chế tình trạng chậm trễ trong xử lý sự cố hạ tầng do người dân phản ánh, Sở TT&TT TPHCM sẽ trình Ủy ban Nhân dân TPHCM quy trình xử lý thông tin áp dụng chung cho tất cả các đơn vị, sở ngành, quận huyện… Khi quy trình này được ban hành, Sở sẽ có phần mềm giám sát các đơn vị “ì ạch”. Còn như hiện nay thì “chúng tôi thống kê và có văn bản báo cáo UBND Thành phố những trường hợp xử lý chậm trễ. Khi Ủy ban nhắc nhở thì họ xử lý hết!”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Quốc Cường giãi bày.

Toàn bộ thông tin phản ánh – xử lý phản ánh của người dân ở “cổng” 1022 tới đây cũng sẽ chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM để được giám sát song song.

Phương Hiền

Top