TPHCM thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC từ 1/4

01/03/2018 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa hoàn chỉnh để lấy ý kiến dự thảo Đề án Thí điểm chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ công chức, viên chức thuộc khu vực nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý.

Dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC năm 2018 của TPHCM là hơn 2.340 tỷ đồng. Ảnh: VGP

Đề án nói trên là 1 trong 21 đề án, nội dung được UBND TPHCM xác định triển khai cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được điều chỉnh tăng thu nhập cho công chức không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ. Căn cứ quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ giai đoạn 2018-2020, TPHCM xác định lộ trình điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù theo từng năm 2018, 2019 và 2020.

Theo đó, năm 2018 hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ). Năm 2019, tăng tối đa 1,2 lần. Năm 2020, tăng tối đa 1,8 lần.

Từ năm 2021 đến năm 2022, căn cứ kết quả đánh giá sơ kết thực hiện đề án, căn cứ chủ trương của Quốc hội về tăng lương tối thiểu, TPHCM sẽ tiếp tục xác định hệ số điều chỉnh thu nhập cho phù hợp.

Việc trả thu nhập phù hợp đối với công chức dựa trên cơ sở năng suất, hiệu quả lao động nhằm đảm bảo tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho công chức của TPHCM đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thu hút nhân tài phục vụ tốt hơn đối với sự phát triển bền vững của TPHCM.

Ngoài ra, việc chi thu nhập tăng thêm cũng gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng công chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả công việc, không điều chỉnh tăng thu nhập theo kiểu cào bằng.

Theo UBND TPHCM, việc tăng thu nhập này sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chỉ số phát triển về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời góp phần tăng cường cung ứng dịch vụ công với số lượng và chất lượng ngày càng cao.

Với số lượng CBCCVC thực tế thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của Thành phố (công chức là 11.645 người, viên chức là 122.157 người và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn khoảng 6.440 người), dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC năm 2018 là hơn 2.340 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành, được sử dụng theo trình tự: Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp theo quy định; nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại cấp ngân sách quận, huyện bao gồm: Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang của cấp ngân sách quận, huyện; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận, huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm trước so với dự toán năm năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận, huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước.

Dự kiến, UBMTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án. Sau khi lấy ý kiến phản biện, Đề án được áp dụng từ ngày 1/4/2018 đến 31/12/2020.

Ngọc Tấn

Top