TPHCM triển khai hiệu quả Chương trình Dinh dưỡng học đường

04/08/2014 4:10 PM

TPHCM đã triển khai hiệu quả Chương trình Dinh dưỡng học đường, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của thế hệ trẻ thành phố.

 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tài Dũng, phụ trách công tác y tế trường học – Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, báo cáo tại Hội nghị Dinh dưỡng mở rộng TPHCM lần 3 tổ chức vào ngày 01-8 vừa qua.
Bác sĩ Dũng cho biết hiện nay TPHCM có tổng cộng 1.754 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông với tổng số gần 1,4 triệu học sinh, trong đó 1.283 trường có lớp bán trú với tổng cộng 560.740 học sinh ăn trưa hàng ngày tại trường.
Bác sĩ Dũng cho biết, theo khuyến cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bên cạnh giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi và học sinh các cấp, TP gặp vấn đề nan giải hơn là tỉ lệ thừa cân, béo phì (TCBP) trong học sinh tăng nhanh, nhất là ở bậc tiểu học có đến 40% học sinh béo phì. Đây là hậu quả của các bệnh mạn tính không lây sau này nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở học sinh thành phố do có thói quen không tốt là ăn không đầy đủ chất, thiếu vận động, uống sữa ít…
Trước tình trạng trên, Sở GD-ĐT đã phối hợp Trung tâm Dinh dưỡng triển khai Chương trình Dinh dưỡng học đường để góp phần giảm tỉ lệ học sinh SDD, TCBP trên địa bàn thành phố.
Trong 3 năm đầu, chương trình tập trung vào công tác truyền thông, tập huấn kiến thức dinh dưỡng cho 3.000 giáo viên của 900 trường để các giáo viên về giảng dạy lại cho học sinh tại trường.
Sau đó, chương trình chuyển sang giai đoạn đánh giá và quản lý tình trạng SDD, TCBP ở học sinh.
Theo đó, khi khám sức khỏe đầu năm học, cán bộ y tế trường học sẽ cân đo, tính chỉ số BMI, tra bảng BMI theo độ tuổi để đưa vào danh sách quản lý học sinh SDD, TCBP. Sau đó, nhà trường sẽ tư vấn cho phụ huynh, học sinh SDD, TCBP về chế độ ăn uống, vận động.
Nhà trường sẽ có chế độ phân phối thức ăn bán trú phù hợp với học sinh SDD, TCBP đồng thời tạo điều kiện tối đa để học sinh vận động ít nhất 60 phút/ngày.
Vào học kỳ II, cán bộ y tế trường sẽ cân đo, tính BMI của các học sinh này để xem tình trạng SDD, TCBP có cải thiện không.
Ngoài các biện pháp trên, Sở GD-ĐT còn phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng và công ty Ajinomoto Việt Nam biên soạn và ban hành Bộ thực đơn chuẩn dành cho học sinh tiểu học với 40 thực đơn đảm bảo đủ năng lượng, cân đối và đầy đủ chất, thực phẩm dễ mua ở địa phương, giá thành vừa phải; bộ sách giáo dục về dinh dưỡng “Ba phút thay đổi nhận thức”.
Kết quả báo cáo của các trường gửi về sở cho thấy tình trạng SDD, TCBP của học sinh trên địa bàn TPHCM có cải thiện so với đầu năm học. Cụ thể, số liệu của Phòng Giáo dục quận Tân Phú cho thấy đầu năm học 2013-2014, 11 trường tiểu học trên địa bàn quận có 961 học sinh SDD, 3039 học sinh thừa cân, 2089 học sinh béo phì thì đến cuối năm học còn 773 học sinh SDD, 2789 học sinh thừa cân, 2023 học sinh béo phì.
Hiện nay gần như 99% các em từ độ tuổi mầm non đến 18-19 tuổi là ngồi trên ghế nhà trường, việc thực hiện hiệu quả Chương trình Dinh dưỡng học đường sẽ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của thế hệ trẻ thành phố, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
 
MT
Top