TPHCM - Tuổi trẻ đi đầu “chống dịch như chống giặc”

07/04/2020 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Trong khi người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19, thế nhưng thực tế các ca nhiễm bệnh và người trong diện cách ly (F2,F3,..) lại chủ yếu là người trẻ. Chính vì vậy, việc nâng cao kiến thức, hiểu và hành động từ mỗi “tế bào xã hội” trẻ tuổi này sẽ là chìa khóa để khống chế dịch bệnh hiện nay.

Đội hình sinh viên, y bác sĩ trẻ tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại trường Tiểu học Linh Đông, Q.Thủ Đức. Ảnh: VGP/Phương Dy

Phát huy tinh thần xung kích

Trong những ngày qua, tại TPHCM, ghi nhận sự tham gia rất lớn của đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, cũng như hỗ trợ khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, kể cả thông tin hơn 20 địa chỉ từ thiện phục vụ miễn phí cho người khó khăn trên địa bàn.

Riêng Thành đoàn TPHCM đã tổ chức các Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học.

Theo Phó Bí thư thường trực Thành đoàn TP Phan Thị Thanh Phương, mỗi Đội hình gồm 200 y bác sĩ trẻ, nhân viên các phòng khám, bệnh viện trực thuộc các trường đại học, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ TP cùng các sinh viên năm cuối tại các trường có đào tạo về ngành y cùng tham gia chung tay tình nguyện cùng chính quyền và nhân dân phòng chống hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ trọng tâm của các Đội là tuyên truyền nâng cao nhận thức của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên tại các trường học, khu lưu trú công nhân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Lê Thị Thanh Thủy, sinh viên năm thứ hai Đại học Sài Gòn tham gia tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền cách phòng chống dịch Covid-19 tại bến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè. Em cho biết, là đoàn viên, trong những ngày tạm nghỉ học ở trường em muốn tham gia một hoạt động ý nghĩa để góp phần nâng cao kiến thức và ý thức phòng dịch cho những người dân xung quanh bến phà và du khách đi phà. Nhóm đoàn viên tại đây đã phát hàng trăm khẩu trang y tế, cùng nước rửa tay cho người dân.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Nguyễn Thanh Tuấn, để phát huy tính xung kích của đoàn viên, thanh niên, huyện Đoàn đã tổ chức nhiều đợt vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên địa bàn hỗ trợ khẩu trang có thể tái sử dụng, nước rửa tay và thuốc sát khuẩn để tặng miễn phí cho người dân, đặc biệt là du khách đến tham quan từ huyện Cần Giờ qua khu vực phà Bình Khánh. Qua đó, giúp người dân, du khách có thể sử dụng nhiều lần, tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh.

Tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng

Là một bác sĩ trẻ đang công tác tại Khoa Truyền thông, Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, ThS, BS Đinh Thị Hải Yến chia sẻ, hiện nay quy trình xử lý bước đầu của các bệnh viện trên địa bàn là rất tốt đối với người thuộc diện cách ly. Hệ thống bệnh viện, các phòng khám đều được tập huấn về quy trình, để tránh lây nhiễm chéo. Về khối dự phòng, từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đến các Trung tâm y tế quận huyện, phường xã khi tiếp nhận thông tin về ca nghi ngờ hoặc tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lập tức xác minh để đưa vào diện cách ly, giám sát trong 14 ngày.

Cả hệ thống y tế của thành phố đã phòng dịch từ các ca nhiễm đầu tiên và bây giờ vẫn đang ra sức để kiểm soát tình hình lây nhiễm.

Hướng dẫn học sinh hướng dẫn rửa tay diệt khuẩn. Ảnh: VGP/Phương Dy

Trong khi đó, BS Nguyễn Thanh Phong (Trưởng khoa nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM) cho biết, vấn đề phòng dịch hiện nay là rất quan trọng khi cho rằng ý thức phòng ngừa, đeo khẩu trang, rửa tay đúng quy trình không riêng gì nhân viên y tế mà cần trở thành thói quen của từng người dân thành phố.

Theo BS Phong, đặc thù của virus tồn tại được trong dịch tiết nước bọt. Do đó, ngay cả việc tháo khẩu trang không đúng cách cũng dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra, một số người có thói quen dùng một khẩu trang nhiều lần, dùng xong gấp bỏ vào túi thì vô tình vẫn gây ra nguy cơ lây nhiễm. Do vậy, khẩu trang chỉ nên dùng một lần và trong quá trình sử dụng thì không đụng vào mặt ngoài của khẩu trang, dùng một lần xong bỏ vào thùng rác.

Cùng nhấn mạnh vấn đề ý thức cá nhân trong phòng chống dịch bệnh, chị Lê Thị Ngọc Quyên, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhìn nhận, các kiến thức đời thường về phòng tránh dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, nhưng không phải ai cũng nắm được kiến thức. Do đó, chị Quyên chia sẻ sẽ vận động các đoàn viên, thanh niên tại đơn vị mình trước hết cần nắm bắt, hiểu về các nguy cơ lây nhiễm, có ý thức liên tục cập nhật thông tin kịp thời để vừa chủ động bảo vệ bản thân và sức khỏe của bản thân, vừa chia sẻ kịp thời cho gia đình mình, bạn bè và người thân cùng ý thức phòng dịch.

Trong khi đó, một nữ bệnh nhân 21 tuổi, ngụ Bình Thạnh, là một trong những trường hợp điều trị khỏi bệnh vừa được xuất viện tại Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi cũng chia sẻ, trong những ngày được chăm sóc sức khỏe ở Bệnh viện, cô cảm giác mọi người ở đây giống như một gia đình vậy. Những ngày cách ly là khoảng thời gian tuyệt vời và nữ bệnh nhân trẻ tuổi bày tỏ cảm ơn chân thành đến đội ngũ y bác sĩ và các chiến sĩ tại Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi. Do ý thức được mức độ lây lan của dịch bệnh Covid-19 nên từ khi ở nước ngoài về nước nữ bệnh nhân (BN 90) đã nhanh chóng thực hiện tự cách ly theo đúng quy định, sau khi ra viện, cô cũng tuân thủ cách ly thêm ở nhà để theo dõi theo quy định của Bộ Y tế.

Phương Dy

Top