TPHCM xác định nhiệm vụ cho giai đoạn phục hồi kinh tế

25/04/2020 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 24/4, UBND TPHCM đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế -xã hội quý I/2020. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là thông tin về các nhiệm vụ mà Thành phố sẽ tập trung để phục hồi kinh tế xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp KT-XH quý I/2020. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đến nay, có thể khẳng định TPHCM đã đạt được những thành công bước đầu, rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên Thành phố sẽ phải đối mặt với những thách thức trong với vấn đề phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, TPHCM vẫn duy trì là đầu tàu về xuất khẩu của cả nước với trị giá 10,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp tới 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong quý I. Kết quả này, theo Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong, là do dư địa tác động các đơn hàng từ quý IV/2019 và chưa phản ánh hết khó khăn của phát triển kinh tế.

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ các thị trường xuất khẩu của Thành phố suy giảm rõ rệt. Qua kiểm tra các khu chế xuất, khu công nghệ cao, chủ doanh nghiệp phản ánh, Thành phố đã ghi nhận những tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp và đã báo cáo kỳ họp Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Ông Phong nhận định, cuối quý I/2020, nền kinh tế bắt đầu bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, tác động bên ngoài đến nền kinh tế chưa nhiều vì lúc đó dịch Covid-19 chủ yếu ở Hồ Bắc - Trung Quốc sau đó mới lan rộng ra các nước lân cận và Đông Âu. Sang tháng 4, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường xuất khẩu lớn của Thành phố bắt đầu suy giảm.

Chủ tịch Thành phố dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ  tác động mạnh đến nền kinh tế bắt đầu từ quý II/2020. Trong đó phần lớn do sự suy giảm của lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Ông Phong cho hay, giá trị gia tăng dịch vụ chiếm 60,6% giá trị tổng sản phẩm kinh tế Thành phố, quý I đã giảm 1,23%. Quy mô chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm nhưng tăng trưởng âm đã ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế Thành phố.

Để đảm bảo nền kinh tế Thành phố phát triển ổn định, trong tình hình mới, Thành phố chủ động xây dựng chính sách để vực dậy nền kinh tế trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu kiểm soát tốt hơn. Chủ trương của Thành phố là nới lỏng từng bước nhưng kiểm soát đúng mức, không cho phép tình trạng chủ quan coi thường dịch bệnh, trên tinh thần tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa hạn chế tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố năm 2020.

Nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu của bộ máy chính quyền trong công tác phòng chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt phù hợp trong từng giai đoạn diễn biến dịch bệnh Covid-19; luôn trong trạng thái sẵn sàng, tuyệt đối không chủ quan, kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ trong phòng, chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất; rà soát bổ sung giải pháp các kịch bản đang xây dựng, nhất là chuyển trạng thái dịch bệnh sang giai đoạn mới. Chủ tịch Thành phố cho biết, qua đầu tháng 5, Thành phố sẽ tổ chức tọa đàm kinh tế, mời các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp góp ý các kịch bản tăng trưởng kinh tế Thành phố.

Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá tính rủi cho doanh nghiệp, Thành phố cần tổ chức hậu kiểm việc cam kết, tuân thủ của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai 7 bộ chỉ số đánh giá an toàn Covid-19 gắn với phát triển kinh tế trong tình hình mới. Chủ tịch Thành phố đánh giá cao sự tích cực của người đứng đầu các sở, ngành chủ động xây dựng các bộ chỉ số an toàn và khẳng định sở, ngành nào xây dựng xong bộ chỉ số an toàn thì Thành phố mới phê duyệt kế hoạch triển khai nới lỏng giãn cách xã hội ở lĩnh vực đó.

Đặc biệt, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, không để kéo dài thêm.

Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù tiếp thêm động lực cho kinh tế Thành phố vượt qua khó khăn hiện nay. Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ thì Thành phố sẽ chủ động để giải quyết cho người lao động mất việc làm và hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Hiện Sở LĐTB&XH Thành phố đã báo cáo Chính phủ để triển khai sớm nhất; xây dựng gói bảo trợ an sinh xã hội đảm bảo hàng hóa thiết yếu; Gói kinh tế giảm thiệt hại khó khăn, tăng cường sức chịu đựng của doanh nghiệp và chuẩn bị điều kiện phục hồi sau dịch bệnh một cách nhanh chóng; Thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh. Nhiệm vụ này ông Phong cho hay giao Phó Chủ tịch Dương Anh Đức báo cáo đầu tuần tới.

Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch sẽ được triển khai từ nay đến hết 2020 với các nhóm nội dung cụ thể, đặc biệt chú ý duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn. Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM khẳng định các ngân hàng không thiếu vốn hỗ trợ  doanh nghiệp. Do vậy, Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh vấn đề bây giờ là giải pháp kết nối vốn ngân hàng đến doanh nghiệp. Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát, ban hành kế hoạch triển khai tính điểm xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. “Hành động quyết liệt! Rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 02 vừa qua, Thành phố quan tâm nhưng động thái còn chậm. Trong điều kiện chống dịch như chống giặc thì phải hành động quyết liệt, kịp thời”, Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.

Liên quan đến nhiệm vụ quan trọng khác, đó là nghiên cứu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020. Chỉ tiêu tăng trưởng của Thành phố năm 2020 là 8,3-8,5%. Để đạt được con số này, Chủ tịch Thành phố cho rằng những quý tiếp theo phải tăng từ 8,5-9% mới đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch năm nhằm đảm bảo các giải pháp phù hợp, khả thi, phấn đấu đạt kết quả cao các chủ trương đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương  và ngân sách địa phương.

Triển khai các đề án như không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn Thành phố; Đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác phía đông trên cơ sở sát nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức… Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực… Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án trong 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển Thành phố tại dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã công bố, chậm nhất 15/5 trình dự thảo, ban hành thực hiện trong tháng 6…

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng, đây là khối lượng công việc khổng lồ đối với Thành phố, nhất là trong bối cảnh chuyển trạng thái duy trì phòng, chống dịch Covid-19 và tăng tốc phục hồi kinh tế. Đối với từng nhiệm vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã phân công trách nhiệm cho từng đầu mối phụ trách và sẽ có báo cáo triển khai trong đầu tuần tới.

Băng Tâm

Top