Tranh cãi cấm đòi nợ thuê và nạn tín dụng đen

10/09/2019 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Trong báo cáo mới đây, cơ quan chức năng TP HCM cho biết, tại địa phương này có tới 99% các công ty đòi nợ thuê vi phạm pháp luật.

Hình thức phổ biến là các công ty câu kết với băng nhóm xã hội đen, cho người “xăm trổ”, nói năng vô lễ trấn áp tinh thần người dân. Khi lực lượng chức năng có mặt, chỉ có 1, 2 người là nhân viên của công ty. Số còn lại thường là những thanh niên bặm trợn, có tiền án tiền sự, tuy nhiên họ thường lấy lý do đến chơi với bạn chứ không đi đòi nợ thuê...

Đây cũng là lần thứ hai, TPHCM kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê.

Từ khi ra đời đến nay, ngành nghề dịch vụ đòi nợ, thường được gọi là đòi nợ thuê, vẫn chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi. Tuy nhiên, để giải quyết những bất cập liên quan, có lẽ cần đặt câu chuyện “đòi nợ thuê” trong một bối cảnh rộng hơn.

Cùng với sự nở rộ của những công ty đòi nợ thuê, các doanh nghiệp “hỗ trợ tín dụng” cũng mọc lên như nấm sau mưa. Tại bất kỳ điểm công cộng nào của các đô thị lớn cũng có thể thấy những mảnh quảng cáo dán chằng chịt với nội dung: vay tiền dễ dàng nhất không thế chấp, chỉ cần thẻ sinh viên, chứng minh thư là có thể vay được tiền.

Bất chấp những mỹ từ đầy ân cần, ai cũng biết đó chỉ là những công ty tín dụng đen cho vay nặng lãi.

Với thủ tục dễ dàng không cần thế chấp đồng nghĩa với việc họ đã bỏ qua những quy định thông thường dành cho những tổ chức tín dụng đó là hợp đồng chặt chẽ, tài sản đảm bảo... Và đương nhiên họ cũng có những “biện pháp” đặc biệt để đảm bảo việc bảo toàn thu hồi vốn và đằng sau đó là siêu lợi nhuận. Những khoản vay lãi ngày ở mức “cắt cổ”, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ khiến những con nợ khó khăn trót vay tiền nhanh chóng khánh kiệt.

Để “hút kiệt máu” con nợ, họ phải dùng những biện pháp đầy tính bạo lực, nhẹ nhàng thì dùng côn đồ “xăm trổ” uy hiếp tinh thần, tiếp đó là những biện pháp khủng bố như tạt sơn, đổ chất bẩn vào cửa nhà, thậm chí với những vụ việc nhất định họ không ngần ngại sử dụng dao búa súng tự chế để đòi bằng được tiền.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp đòi nợ thuê lại thường áp chế, gây sức ép với người nhà của con nợ, dẫn đến cảnh dở khóc dở cười quýt làm cam chịu mà điển hình là vụ việc chủ quán phở Hòa (TPHCM) bị băng nhóm đòi nợ thuê khủng bố.

Hơn một năm trước, tranh cãi đã nổ ra khi Bộ Tài chính công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trong đó có các quy định như nhân viên công ty đòi nợ thuê phải có bằng đại học mới được hành nghề. Có thời điểm, dự thảo yêu cầu nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, khi đến đòi nợ phải báo trước với công an.

Tuy nhiên, ngay từ khi đưa ra dự thảo những quy định này cũng đã vấp phải rất nhiều tranh cãi trái chiều. Những đòi hỏi về mặt điều kiện đối với người quản lý, nhân viên của doanh nghiệp đòi nợ thuê, xét cho đến cùng cũng không thay đổi được cách thực hoạt động mà họ đang sử dụng. Luật pháp dù chặt chẽ đến đâu cũng không thể kiểm soát để điều chỉnh tận chân tơ kẽ tóc những hoạt động của doanh nghiệp.

Nhu cầu về vốn là nhu cầu chính đáng của đời sống và đòi nợ thuê cũng là một trong những quan hệ dân sự bình thường, là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, có thể thấy các quy định pháp luật vẫn chưa đủ mạnh để quản lý hiệu quả loại hình dịch vụ này. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, tín dụng đen cùng với đòi nợ thuê trái luật thực chất chỉ có đất sống khi thị trường tài chính chưa làm tốt nhiệm vụ của mình.

 Đã có rất nhiều chính sách, nhiều gói ưu đãi được các định chế tài chính đưa ra nhằm đưa đồng vốn đến tay người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không nhiều những người đang khát vốn vay được tiền, và sự thúc bách của cuộc sống đã đẩy họ đến với tín dụng đen, dẫu biết phía sau đó tiềm ẩn những rủi ro, thậm chí nguy hiểm.

Trên thực tế, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần nhắc tới tình trạng “tín dụng đen” đang hoành hành ở một số nơi, gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng, lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, buộc người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói, trở thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị đầu năm nay của ngành ngân hàng.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó nêu rõ, cùng với việc đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cần có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng… với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".

Đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cùng các ban ngành tổ chức và một số địa phương bàn và đưa ra 5 giải pháp ngăn chặn tín dụng đen. Trong lúc chờ các giải pháp này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo tránh xa các băng nhóm tín dụng đen.

Quang Lê

Top