Trao phương tiện sinh kế theo nhu cầu - Cách làm mới trong giảm nghèo ở TPHCM

19/02/2021 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân cả nước. Đại dịch cũng trở thành “phép thử” đánh giá chương trình giảm nghèo bền vững mà TPHCM đã và đang thực hiện trong những năm qua.

Trao phương tiện sinh kế theo nhu cầu của từng hộ nghèo - cách làm mới, thiết thực và hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo tại TPHCM

Trao phương tiện sinh kế theo nhu cầu

Năm 2020, quận Bình Thạnh đặt ra mục tiêu duy trì không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố (thu nhập bình quân 28 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện ngay từ những ngày đầu năm trở thành thách thức với công tác giảm nghèo.

Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, Trưởng Ban Giảm nghèo quận chia sẻ, hộ nghèo và cận nghèo là nhóm bị tác động sớm nhất trong dịch COVID-19, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội thì các đối tượng trên hầu hết bị gián đoạn mưu sinh. Do vậy, Quận ủy và UBND quận Bình Thành chỉ đạo đến từng phường trên địa bàn, đặc biệt quan tâm rà soát, theo dõi tình hình của từng hộ trong diện khó khăn. Trên tinh thần không để người dân tái nghèo sau dịch COVID-19, quận Bình Thạnh đã vận động các mạnh thường quân được gần 500 triệu đồng để chăm lo người dân bị ảnh hưởng vì dịch.

Song song với đó, quận Bình Thạnh cũng chỉ đạo các phường tập trung rà soát đến từng hộ cận nghèo, tìm hiểu nhu cầu sinh kế. Trên cơ sở đó, quận vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp sinh kế theo nhu cầu mưu sinh của từng hộ cận nghèo. “Chúng tôi lấy ý kiến đến từng hộ cận nghèo, có hộ cần chiếc xe nước mía, hộ khác cần máy may công nghiệp, cũng có hộ cần hỗ trợ xe máy… Họ quen với việc gì thì đề xuất phương tiện sinh kế theo việc đó và nhận phương tiện chứ không nhận tiền mặt. Cách này giải quyết tăng thu nhập đi vào thực tế của từng hộ gia đình cận nghèo”, bà Nga nói.

Với tinh thần chỉ đạo như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn quận Bình Thạnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, phát huy tác dụng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Có thể kể đến mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo bền vững” hay mô hình “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định”. Những cách làm trên tập trung chăm lo người dân bán hàng rong bị ảnh hưởng việc làm do lập lại trật tự lòng lề đường với các giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, Trường Trung cấp nghề và các doanh nghiệp... để đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp.

Ngoài ra, tại các đơn vị, phòng ban, đoàn thể quận cũng thực hiện nhiều mô hình chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Tương trợ; liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chăm lo học bổng cho con hộ nghèo, hộ cận nghèo; liên kết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... Ở cấp phường cũng có nhiều mô hình hay được nhân rộng như: Hỗ trợ tiền rác hàng tháng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số đang sống ven và trên kênh rạch, nuôi heo đất tiết kiệm để hỗ trợ phương tiện sinh kế, mô hình tay trao tay, câu lạc bộ xe ôm nữ, vận động cơ sở tôn giáo mở sổ tiết kiệm cho hộ nghèo thuộc diện người có công, một kèm một, hai giúp một...

Qua thời gian thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay trên địa bàn quận Bình Thạnh hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Giảm nghèo bền vững, không chỉ xét yếu tố thu nhập

Giảm nghèo bền vững là một chương trình dài hơi, đòi hỏi sự sát sao của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như của từng hộ dân, người dân đã thoát cảnh đói nghèo.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn, có tác động không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội.

Các cấp ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương đa dạng hóa các hoạt động chăm lo hộ nghèo và hộ cận nghèo. Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”, bằng những việc làm thiết thực, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, mặt trận của Thành phố đã phối hợp vận động đóng góp hàng chục tỷ đồng để chăm lo hộ gia đình chính sách, hộ cận nghèo trong dịch COVID-19 vừa qua.

Trong suốt thời gian chống dịch, nhất là những ngày thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế dịch COVID-19 lây lan, trên địa bàn TPHCM đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... được tổ chức.

Cùng với đó, nhiều phần lương thực, thực phẩm cũng đã được các tổ chức, đoàn thể mang đến trao tận tay người nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bán vé số…

Nhìn lại công tác giảm nghèo của Thành phố trong giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với chuẩn nghèo gồm 2 tiêu chí: Tiêu chí thu nhập hộ nghèo (từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống), hộ cận nghèo (từ trên 21 đến 28 triệu đồng/người/năm) và tiêu chí đa chiều (gồm 5 chiều dịch vụ xã hội cơ bản với 11 chỉ số thiếu hụt).

Sau 3 năm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, cuối năm 2018, TPHCM hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn TPHCM giai đoạn 2016-2020. Tỉ lệ hộ nghèo từ 3,36% giảm còn 0,19%. Từ năm 2019-2020, TPHCM tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo, ở tiêu chí thu nhập. Cụ thể, hộ nghèo có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo với nhu nhập từ trên 28 đến 36 triệu đồng/người/năm. Đến nay, TPHCM hoàn thành cơ bản mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM giai đoạn 2019-2020.

Hiện tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,13% và 0,6% hộ cận nghèo. Như vậy, toàn TPHCM có 5 quận và 85 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo; một quận và 23 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2020.

Trong 5 năm qua, cùng với triển khai chương trình giảm nghèo theo quy định chung, TPHCM còn chủ động ban hành 7 chính sách đặc thù về giảm nghèo với các chính sách thiết thực như: Hỗ trợ giảm học phí cho học sinh phổ thông học 2 buổi; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà… Nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu: hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe miễn phí tại nhà, doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo, các đoàn thể chung tay với người nghèo.

Với những kết quả đạt được, trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ triển khai một số cách làm riêng. Cụ thể, thành phố không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà thu nhập chỉ là một chỉ số về thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều (gồm 5 chiều nghèo với 10 chỉ số). Trong đó, ngưỡng thiếu hụt thu nhập là 36 triệu đồng/người/năm. Trong hỗ trợ giảm nghèo, TPHCM sẽ hỗ trợ có điều kiện. Các chính sách hỗ trợ được thực hiện 3 lần hoặc liên tục trong 3 năm mà người nghèo, cận nghèo không tham gia thì xem như không có nhu cầu trợ giúp và không thiếu hụt.

Trước mắt, TPHCM tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố, thực hiện Nghị quyết số 42 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Thành phố hỗ trợ cho 32.527 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số 127.829 nhân khẩu và đã thực hiện chi hỗ trợ cho 111.136 thành viên của 32.527 hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có 30.538 thành viên của 9.668 hộ nghèo; 80.598 thành viên của 22.859 hộ cận nghèo.

Băng Tâm

Top