Triển khai Chỉ thị số 23 của Thành ủy: Phải chăng “trên nóng, dưới lạnh”?

12/12/2019 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/7/2019, Bí thư Thành ủy TPHCM đã ký Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, qua việc triển khai thực hiện cưỡng chế một công trình không phép lên đến hàng nghìn m2 tại phường Bình An, quận 2 đang khiến dư luận đặt câu hỏi việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy phải chăng rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?.
Dãy nhà trọ xây dựng không phép lên đến hàng nghìn m2 đã bị xử phạt hành chính từ cuối năm 2015 và quyết định cưỡng chế từ đầu năm 2016 nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại với một lý do thiếu tiền để cưỡng chế ?.

Thiếu tiền để cưỡng chế công trình xây dựng không phép?

Vụ việc tại quận Thủ Đức liên quan đến công trình xây dựng không phép của lãnh đạo quận được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo xử lý mới đây đã thể hiện được sự quyết tâm của lãnh đạo TPHCM “mạnh tay” và cương quyết xử lý triệt để tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn. Tuy trên thì “nóng” như vậy nhưng tại phường Bình An, quận 2 với công trình xây dựng không phép lên đến hàng nghìn m2 đã bị xử phạt hành chính từ cuối năm 2015 và quyết định cưỡng chế từ đầu năm 2016 nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại với một lý do thiếu tiền để cưỡng chế ?.  

Thực tế, cùng ngày 8/12/2015 Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết đã ra hai quyết định số 5031/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 5032/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Văn Quang do đã có hành vi vi phạm hành chính về tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại một phần thửa đất số 541 và 542, tờ bản đồ số 21 (theo tài liệu BĐĐC năm 2003), phường Bình An, quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. Tổng số tiền xử phạt là 12,5 triệu đồng.

Sau đó, ngày 23/2/2016, ông Khiết tiếp tục ban hành Quyết định số 454/QĐ-CC và Quyết định số 546 về cưỡng chế thi hành biện pháp buộc ông Quang phải nộp tổng số tiền phạt 12,5 triệu đồng và tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm không có giấy phép xây dựng với tổng diện tích hơn 1.079 m2. Công trình xây dựng nhà cấp bốn, với khoảng 80 phòng trọ được xây dựng kiên cố tường gạch, cột gạch, tấm 3D, mái tôn này đã tồn tại nhiều năm.

Sau gần 4 năm ngày 11/11/2019 UBND phường Bình An mới có kế hoạch số 137/KH - UBND và đã được UBND quận 2 phê duyệt về việc thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại thửa đất số 541, 542 khu phố 3, phường Bình An, quận 2 vào sáng 7 giờ 30 phút ngày 6/12/2019. Kế hoạch trên được căn cứ theo quyết định số 545, 546 ngày 23/2/2016 của UBND quận 2 về việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, ngày 6/12/2019, hạn ngày cuối cùng để thực hiện nhưng việc cưỡng chế đã không diễn ra.

Theo ông Ngô Nhất Vũ - Phó Chủ tịch UBND phường Bình An cho biết, việc hoãn cưỡng chế với lý do không có kinh phí. Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Chủ tịch UBND quận 2 phụ trách về trật tự xây dựng đô thị cho rằng: UBND quận 2 đã làm hết trách nhiệm là ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế của UBND phường Bình An, việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng là trách nhiệm của phường. Theo ông Khiết không có tiền thì làm sao thực hiện được việc cưỡng chế, và việc này đã báo cáo lên Chủ tịch UBND quận 2.

Quyết định xử phạt của UBND Quận 2.

Liệu có tình trạng bao che, “bảo kê” để công trình không phép tồn tại?

Câu hỏi được đặt ra là: Lý do không có kinh phí để thực hiện cưỡng chế công trình không phép nêu trên có phải chỉ là cái cớ trì hoãn?

Trong kế hoạch số 137/KH-UBND do Chủ tịch UBND phường Bình An Hồ Hải Phong ký ngày 11/11/2019 về việc thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự đô thi đối với công trình do ông Phan Văn Quang làm chủ đầu tư có ghi rõ “Kinh phí thực hiện: Giao công chức Tài chính - Kế toán phối hợp công chức Địa chính - Xây dựng phường lập dự trù kinh phí trình Chủ tịch UBND phường duyệt và quyết toán thực tế chi theo quy định”.

Nói về lý do kinh phí dành cho thực hiện việc cưỡng chế công trình tại phường Bình An, ông Khiết cho rằng: “Phường muốn tổ chức cưỡng chế phải có kinh phí. Quyết định cưỡng chế có rồi buộc phải thực hiện thôi nhưng phường báo lên rồi và giờ phải tạm ứng kinh phí vì không có trong dự toán. Mà ứng ngân sách khó lắm vì ngân sách công mà”. Theo ông Khiết, nguyên nhân chính là do ông Hải (chủ mua lại khu đất nêu trên, cũng là “khổ chủ”) đã nói ứng ra mấy trăm triệu để thực hiện cưỡng chế nhưng rút cuộc ông Hải đã không thực hiện.

Liên quan đến số tiền đặt ra để thực hiện cưỡng chế, ông Ngô Nhất Vũ cho biết: “Trước đây có đưa ra hai phương án, giá đơn vị thực hiện đưa ra bảy, tám trăm triệu gì đó, rồi sau này làm lại báo giá giảm rồi nhưng vẫn rất là cao với giá khoảng 300 triệu gì đó mà chưa có VAT…”. Nói về điều này, luật sư Nguyễn Văn Quynh, Giám đốc Hãng luật Hưng Yên cho rằng: “Nguyên tắc của cưỡng chế là kinh phí từ ngân sách, phải tuân thủ theo luật ngân sách”. Vậy đây có phải kiểu “xin” tiền “khổ chủ” để thực hiện công trình vi phạm trật tự xây dựng của chính quyền Quận 2?. 

Trên thực tế, việc thông báo hoãn cưỡng chế công trình nêu trên đến thời điểm này vẫn chỉ bằng “miệng” và chưa biết đến bao giờ thực hiện. Với việc xây dựng không phép đã tồn tại từ lâu, dù có quyết định cưỡng chế nhưng vẫn không thực hiện được, dư luận đặt câu hỏi: Liệu có tình trạng bao che, “bảo kê” cho công trình xây dựng không phép tại Quận 2?.

Ngọc Tấn

Top