Triển khai đồng loạt các dự án giao thông lớn ở ĐBSCL

01/04/2019 6:01 PM

(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông lớn tại ĐBSCL nhằm gỡ điểm nghẽn lưu thông và tạo cú hích lớn cho khu vực.

Phối cảnh nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận 

Nằm trên tuyến đường cao tốc nối TPHCM-Cần Thơ, tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 9.600 tỷ đồng, dài 51,1 km đã trải qua gần 4 năm xây dựng. Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Tiếp nối dự án này, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23,6 km với tổng mức đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long nói, dự kiến cuối năm 2019, dự án sẽ thực hiện xong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; sẽ khởi công đầu năm 2020 và hoàn thành cuối năm 2022.

Tuyến cao tốc trọng điểm TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ khớp nối với một công trình cầu có quy mô rất lớn nằm trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam là cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Hiện dự án đã lựa chọn xong tư vấn thiết kế kỹ thuật và đang cắm mốc giải phóng mặt bằng. Dự kiến, cuối năm 2019, một số gói thầu sẽ khởi công xây dựng. Riêng phần cầu chính dây văng do yếu tố kỹ thuật phức tạp sẽ khởi công vào năm 2020 và sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Sau khi các dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50 km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TPHCM và Cần Thơ so với tuyến QL 1. Tuyến cao tốc này  cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn để các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Chuẩn bị đầu tư 2 cầu lớn hơn 13.000 tỷ đồng

Bộ GTVT cũng chuẩn bị đầu tư 2 công trình cầu có quy mô rất lớn tại khu vực Tây Nam Bộ, đó là cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.

Cầu Đại Ngãi trên QL 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có chiều dài 15,2 km, điểm đầu giao với QL 54 thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.040 tỷ đồng, gồm hơn 7.054 tỷ đồng vốn ODA và 986 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Hiện dự án đang được Bộ KH&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cầu Đại Ngãi được đầu tư sẽ rút ngắn khoảng cách 80 km so với tuyến QL 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TPHCM, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của tỉnh Sóc Trăng mà còn các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang,…

Còn cầu dây văng Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được nghiên cứu xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Tổng chiều dài dự án khoảng 17,59 km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.140 tỷ đồng. Dự kiến cầu sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2022 và hoàn thành sau 40-45 tháng thi công.

 Nâng cấp, cải tạo ngay các tuyến quốc lộ xuống cấp

Trong thời gian các dự án cao tốc, cầu lớn triển khai đầu tư, Bộ GTVT cũng nâng cấp, cải tạo ngay các tuyến quốc lộ đang xuống cấp tại khu vực miền Tây.

Trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, có tới 4 dự án thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Đó là dự án cải tạo, nâng cấp QL 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn (tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng), dự án nâng cấp QL 30 đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự (800 tỷ đồng), dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp (900 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long (875 tỷ đồng). Cả 4 dự án này sẽ được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành năm 2020.

BT

Top