Trung tâm Kinh tế - Thương mại

30/06/2011 12:00 AM

Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 0,6% diện tích và 6,6 % dân số so với cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế của cả nước

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 2001 tốc độ tăng GDP của thành phố là 7,4 % thì đến năm 2005 tăng lên 12,2%. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao đã tạo ra mức đóng góp GDP lớn cho cả nước. Tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước .

Có thể nói thành phố là hạt nhân trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và trung tâm đối với vùng Nam Bộ. Với mức đóng góp GDP là 66,1% trong vùng(KTTĐPN) và đạt mức 30% trong tổng GDP của cả khu vực Nam Bộ.

Kinh tế thành phố có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Năm 2005, năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế thành phố đạt 63,63 triệu đ/người/năm, năng suất lao động công nghiệp-xây dựng đạt 67,05 triệu đồng (bằng 105,4% năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế), năng suất lao động dịch vụ đạt 66,12 triệu đ (bằng 103,12%), năng suất lao động nông nghiệp đạt 13,66 triệu đồng (bằng 21,5%).

Thành phố là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất cả nước, kể từ khi Luật đầu tư được ban hành. Số dự án đầu tư vào thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Năm 2005, đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng khá so với năm 2004, 258 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn 577 triệu USD, tăng 4,5% về số dự án và 43,7% về vốn đầu tư. Có 145 dự án tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng 330 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư kể cả tăng vốn là 907 triệu USD, tăng 7,7%. Bên cạnh đó, có 5 dự án đầu tư ra nước ngoài có tổng vốn là 29,1 triệu USD.

Thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của nhà nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn song thu ngân sách của thành phố vẫn không ngừng tăng. Năm 2005, tổng thu ngân sách trên địa bàn 58.850,32 tỷ đồng, tăng 22,21% so với năm 2004, đạt 108,27% dự toán cả năm.

Về thương mại, dịch vụ, thành phố là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 12,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2004 (nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu tăng 17%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 28,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,5%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 21,1%, nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tăng 11,4%. Cơ sở vật chất ngành thương mại được tăng cường với khoảng 400 chợ bán lẻ, 81 siêu thị, 18 trung tâm thương mại, 3 chợ đầu mối. Khu vực dịch vụ tăng trưởng vượt kế hoạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư. Giá trị gia tăng các ngành dịch vụ tăng 12,2% so với năm 2004 . Năng suất lao động của các ngành dịch vụ nói chung là 66,12 triệu đồng/người/năm (giá trị gia tăng) trong đó năng suất lao động của Thương mại là 51,6 triệu đồng/người/năm (bằng 78% năng suất lao động ngành dịch vụ).

          Hoạt động du lịch của thành phố phát triển mạnh, chưa bao giờ thành phố Hồ Chí Minh đón nhiều du khách như năm 2005. Lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố trên 2 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2004. Công suất sử dụng phòng của các khách sạn 3 đến 5 sao đạt 75%, tăng 9,5%. Doanh thu ngành du lịch đạt 13.250 tỷ đồng, tăng 23%. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng chuyên mục du lịch trên các báo lớn, truyền hình,  tăng cường và nâng cao hiệu quả các đợt tham dự hội chợ du lịch chuyên nghiệp khu vực và các thị trường trọng điểm. Triển khai chương trình xét chọn và công nhận 100 điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch. Đến nay, có 142 khách sạn được xếp hạng, trong đó 35 khách sạn 3 đến 5 sao với 5.740 phòng và 346 doanh nghiệp lữ hành đủ điều kiện kinh doanh.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính - tín dụng. Doanh thu của hệ thống ngân hàng thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn quốc. Năm 2005, các hoạt động tín dụng - ngân hàng tiếp tục phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn huy động qua ngân hàng đạt 170.890 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2004. Dư nợ tín dụng 164.600 tỷ đồng, tăng 32,3%; Nhiều dịch vụ tín dụng hiện đại được đưa vào ứng dụng, mạng lưới thanh toán thông qua thẻ ATM được mở rộng. Về thị trường chứng khoán, đã có 30 công ty cổ phần, 01 công ty quản lý quỹ niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; tổng vốn cổ phần niêm yết trên 1.600 tỷ đồng; trong đó có 17 công ty cổ phần đã niêm yết có trụ sở tại thành phố, chiếm 55% về số công ty niêm yết và 75% về vốn của các công ty niêm yết. Có 14 công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán  thành phố Hồ Chí Minh, doanh số giao dịch đạt 31.000 tỷ đồng, trong đó giao dịch cổ phiếu 8.000 tỷ đồng; giao dịch trái phiếu 23.000 tỷ đồng.

Trong tương lai thành phố phát triển các ngành kinh tế chủ lực, là địa phương đầu tiên tập trung phát triển các ngành cơ khí gia dụng, sản xuất phương tiện vận tải, chế tạo máy, các ngành công nghệ cao … vẫn là đầu mối xuất nhập khẩu, du lịch của cả nước với hệ thống cảng biển phát triển. Việc hình thành các hệ thống giao thông như đường Xuyên Á, đường Đông Tây … sẽ tạo điều kiện cho kinh tế thành phố tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước và cũng là vùng động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn Nam Bộ và cả nước theo chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Top