Trường phổ thông ngoài công lập - Sức hút đã tăng trở lại

16/09/2015 4:17 PM

(Chinhphu.vn) - Khác với mùa tuyển sinh năm học trước ảm đạm, năm học mới này, nhiều trường tư thục dân lập đã vui với tín hiệu tuyển sinh khởi sắc, trong đó nhiều nơi có uy tín, có thương hiệu đã tuyển không hết số học sinh đăng ký.

Giờ học mỹ thuật tại một trường ngoài công lập

“Chọn mặt gửi vàng”...

Trong những năm học trước, Trường Tiểu học - THCS - THPT Chu Văn An là một trong những trường tư thục phải đối mặt với nỗi buồn tuyển sinh èo uột. Có cơ ngơi khang trang rộng rãi (trên 7.000m2) với 45 phòng học, phòng chức năng, nhưng nhà trường chỉ sử dụng hết 1/4 công suất với 300 học sinh vào học. Còn năm nay, sau những nỗ lực chờ đợi và tâm huyết đầu tư cho giáo dục, trường đã tuyển được 6 lớp 10 và 2 lớp 1, tăng sĩ số học sinh lên gần 500 em. Tuy còn non trẻ nhưng hệ thống Trường Tiểu học - Mầm non Tuệ Đức (Pathway International School, ở quận 2) đã tạo sức hút khá nhanh. Từ 80 học sinh mẫu giáo ở năm học trước, bước qua năm thứ hai (2015-2016), trường đã tuyển được trên 400 học sinh ở hai bậc học mầm non và tiểu học. Thế nhưng, sức lan tỏa, thu hút học sinh mạnh nhất phải kể đến Trường Tiểu học - THCS - THPT VStar School (Sao Việt, ở quận 7). Sau 7 năm hình thành, từ con số 56 học sinh ban đầu, đến năm học này, trường đã tăng quy mô lớp học, sĩ số lên 1.500 học sinh ở các bậc học, đông nhất là tiểu học. Cô Chu Thị Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Trường Sao Việt, cho biết: “Năm học mới này, trường chúng tôi chỉ có kế hoạch tuyển 12 lớp 1 nhưng nhu cầu phụ huynh đăng ký quá đông nên phải mở thêm 1 lớp nữa thành 13 lớp 1 và đành từ chối nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi con vào học”.

Điểm qua những ngôi trường tư thục, dân lập có cơ sở vật chất tốt lẫn có thương hiệu, chúng tôi nhận thấy sức hút tuyển sinh ở năm học mới này tiếp tục tăng. Đó là những tên tuổi quen thuộc như Đinh Thiện Lý, Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký, Nhân Việt, Ngô Thời Nhiệm, Thái Bình, Hồng Hà, Hoa Sen, Trí Đức… Mặc dù nhu cầu đăng ký học đầu cấp khá đông, nhưng một số trường không dám mở rộng quy mô để đảm bảo sĩ số lớp học lẫn chất lượng đào tạo. Điển hình như Trường THPT Đinh Thiện Lý không thể đáp ứng nhu cầu tuyển sinh hàng năm. Để tuyển chọn học sinh lớp 6, những năm gần đây trường đưa ra tiêu chí tuyển chọn là đạt 19 - 20 điểm hai môn Toán - Văn đối với học sinh học xong lớp 5. Rất nhiều phụ huynh thất vọng vì con em mình không được học ở ngôi trường có môi trường học lý tưởng này.

Tương tự, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết: “Mặc dù nhu cầu đăng ký vào học lớp 10 của trường khá đông nhưng nhà trường chỉ nhận đủ chỉ tiêu theo kế hoạch cũng như khả năng đào tạo, nhằm chăm sóc học sinh chu đáo và đảm bảo chất lượng đầu ra”. 

Cần chính sách hỗ trợ

Theo nhận định của ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Ngoài công lập Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2015-2016, hệ thống các trường ngoài công lập tuyển sinh tốt hơn, đầu vào tăng cao hơn. Ngoài nguyên nhân nền kinh tế có tín hiệu khởi sắc thì nhiều trường tư thục, dân lập đã khẳng định thương hiệu riêng, đầu tư trường lớp bài bản, tạo môi trường học tập hấp dẫn cho học sinh. Nhìn thấy chất lượng giáo dục ở khu vực này không chỉ tương đồng với các trường công lập, thậm chí còn vượt trội về cơ sở vật chất, chăm sóc học sinh tận tình chu đáo, chú trọng phát triển năng lực cá thể học sinh, kỹ năng sống… nhiều phụ huynh ở TPHCM lẫn các địa phương khác đã yên tâm cho con theo học.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy mới chỉ có khoảng trên 30% trong tổng số trên 100 trường ngoài công lập ở TPHCM hoạt động hiệu quả, tuyển sinh ổn định và được phụ huynh tín nhiệm. Đó là những trường đầu tư bài bản, có cơ sở vật chất tốt, xây dựng thương hiệu, uy tín bằng chất lượng đào tạo - sản phẩm đầu ra. Số đông những trường còn lại do tiềm lực tài chính eo hẹp, đầu tư thiếu bài bản, phải thuê mướn mặt bằng, thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu… nên tuyển sinh khó, quy mô đào tạo nhỏ.

Có thể nói tính cạnh tranh ở các trường ngoài công lập rất cao và để phát triển, lan tỏa thương hiệu, mỗi trường đều có tiêu chí và bí quyết riêng nhằm thuyết phục phụ huynh tin tưởng gửi gắm “cục cưng” của họ. Theo bà Nguyễn Đoàn Kim Sơn - người điều hành hệ thống trường Tuệ Đức, không chỉ áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, linh hoạt, nhà trường còn chú trọng vun bồi những giá trị đạo đức, làm người cho học sinh từ nhỏ.

Tương tự, Trường VStar cũng thu hút học sinh bởi môi trường giáo dục tốt, cơ ngơi khang trang hiện đại, có đủ điều kiện để học sinh phát triển năng lực cá thể lẫn năng khiếu, sở trường… Ngoài đảm bảo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, học sinh của trường còn được học chương trình tiếng Anh theo chuẩn quốc tế với 15 tiết/tuần, học kỹ năng sống, học nhạc, họa… Và khi ra trường, các em phải biết chơi hai loại nhạc cụ. Như thế, không chỉ hấp dẫn phụ huynh bởi môi trường giáo dục tiên tiến, trường lớp khang trang, sĩ số học sinh thấp (25 - 30 em/lớp), mức học phí ở nhiều trường ngoài công lập cũng hợp lý, không quá cao đối với một bộ phận người dân có thu nhập trung bình khá. Cụ thể, ở bậc mầm non dao động ở mức 3 - 4 triệu đồng/tháng; bậc THCS 6 - 7 triệu đồng/tháng và THPT khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn.

Theo xu thế phát triển giáo dục ở các nước tiên tiến, loại hình trường ngoài công lập phát triển mạnh hơn hệ thống trường công lập. Ở Việt Nam, nhờ có chủ trương xã hội hóa giáo dục, những năm qua mạng lưới trường ngoài công lập đã phát triển nhanh về số lượng, tập trung nhiều nhất ở TPHCM. Tuy nhiên, dù đã chia sẻ và gánh bớt một phần học sinh cho các trường công lập, nhưng mạng lưới trường ngoài công lập vẫn chưa phát triển đồng đều, chưa tạo được quy mô và sức hút rộng hơn. Để hệ thống trường ngoài công lập phát triển hài hòa, chia sẻ gánh nặng đầu tư cho giáo dục của ngân sách nhà nước thì cần tạo sự bình đẳng và có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế… hợp lý hơn. Đó là mong mỏi, tâm huyết của các nhà đầu tư cho giáo dục và mong muốn tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Theo SGGP

Top