Tụ điểm văn hóa giải trí Sài Gòn lâm cảnh eo sèo

17/07/2017 11:26 AM

(Chinhphu.vn) - Khi khán giả chỉ cần một cú click hay lướt tay trên smart phone (điện thoại thông minh) là cả thế giới giải trí được mở ra thì thói quen đến các tụ điểm văn hóa như phòng trà ca nhạc, sân khấu kịch để thưởng thức văn nghệ bị lung lay, kéo theo đời sống sinh hoạt của các tụ điểm văn hóa lâm cảnh eo sèo.

Ca sĩ Đức Minh song ca cùng ca sĩ Yến Xuân tại phòng trà Đồng Dao. Ảnh: VGP/Tấn Chương

Không thể phủ nhận một bộ phận nghệ sĩ tranh thủ tìm kiếm danh tiếng, tiền bạc nhờ sự nở rộ của các gameshow giải trí trên truyền hình và cơn “bão” online. Đó là mảnh đất màu mỡ cho người trẻ giới thiệu mình, để nghệ sĩ lão thành vớt vát chút hương sắc một thời, để những cái tên nhợt nhạt được đánh bóng trở lại.

Điểm hẹn văn hóa eo sèo vì đâu?

Thành phố Hồ Chí Minh-Sài Gòn vẫn thường được xem là thành phố của những tụ điểm vui chơi, giải trí, đặc biệt vào mỗi cuối tuần, các hoạt động văn nghệ càng nhộn nhịp. Người dân Sài Gòn có thói quen thưởng thức văn nghệ ở phòng trà ca nhạc, sân khấu kịch, nhà văn hóa quận, công viên… Thế nhưng những năm gần đây nhiều văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa đã nhiều lần “than thở” về tình trạng vắng khán giả, lượng ghế trống tăng, sân khấu không còn sáng đèn, phòng trà đóng cửa, nhà văn hóa cắt giảm chương trình biểu diễn.

Hiện nay một số tụ điểm còn hoạt động như các phòng trà Đồng Dao, Không tên, We; sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Idecaf… Nhưng theo NSND Hồng Vân, “bà bầu” sân khấu kịch Phú Nhuận, “sân khấu sáng đèn ngày nào thì mừng ngày đó, chứ hoạt động kiểu này tôi thấy hồi hộp quá, không biết lúc nào sẽ đóng cửa. Số lượng khán giả không ổn định, tâm lý khán giả cũng khó lòng nắm bắt vì họ bị chi phối nhiều kênh giải trí khác. Thành ra rất nhiều sân khấu kịch đang sống lay lắt”.

Theo NSƯT Mỹ Uyên - “bà bầu” sân khấu kịch 5B (Võ Văn Tần, Quận 3), vắng khách một phần do sân khấu thiếu kịch bản hay để thu hút khán giả, cũng như nhiều diễn viên có tâm lý “ngại” sân khấu. “Nguồn kịch bản hay rất hiếm, chúng tôi phải dựng vở từ các tác phẩm văn học, hoặc vay mượn tác phẩm kịch kinh điển thế giới. Điều này cho thấy, ở sân khấu kịch đang thiếu đội ngũ viết kịch bản có góc nhìn xã hội hiện thực sắc bén. Thêm nữa, diễn viên bây giờ tham gia gameshow có cơ hội hơn, nhiều tiền hơn, nên họ từ chối đến với sân khấu”.

Nhưng một thực tế là giá tiền xem nhạc, xem kịch ở các phòng trà, sân khấu cũng đã tăng cao trong khi khán giả xem qua tivi, online mất không bao nhiêu tiền. Ông vua phòng trà - ca sỹ Đức Minh cho biết: “Số lượng khán giả không nhiều, ca sĩ luôn đòi tăng cát xê buột các ông chủ phải tăng giá nước, giá vé. Giá nước ở các phòng trà hiện nay khá cao, 200.000/1 ly nước, sinh tố loại thường, chưa kể đồ ăn thức uống cao cấp khác”.

Ngoài việc bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình biểu diễn mới thì giá cát xê cao, diễn chưa hết mình của các nghệ sĩ cũng góp phần làm cho những tụ điểm văn hóa giải trí tại TPHCM lâm cảnh eo sèo. Ảnh minh họa.

Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ rằng khán giả bây giờ không cần mua vé cũng được gặp thần tượng. Khán giả được thuê vỗ tay, hò hét trong mỗi gameshow truyền hình vô tình đã khiến họ không còn trân trọng giá trị lao động của nghệ sĩ. Chính điều đó gây một sự nhàm chán, không còn thích thú, không còn động lực biểu diễn và cổ vũ ở nghệ sĩ lẫn khán giả.

Ông Lê Xuân Tài (53 tuổi, Tân Bình) từng là khán giả ruột của sân khấu kịch, phòng trà ca nhạc nay chọn xem giải trí ở nhà vì: “Không khí ở các tụ điểm không còn rộn ràng nô nức như xưa nữa. Cách đây chục năm, vợ chồng chúng tôi phải xếp hàng mua vé, vào xem nghệ sĩ thần tượng biểu diễn cảm giác vui thích, được khóc cười cùng nghệ sĩ trên sân khấu. Bây giờ nghệ sĩ diễn chưa hết mình, lâu lâu hủy show bắt khán giả đợi chờ rồi ra về thất vọng. Thêm nữa là giao thông bây giờ loạn quá, gia đình tôi ngại ra đường vào giờ tối cuối tuần. Thôi, ở nhà xem ti vi cho an toàn. Thích xem gì có cái đó”.

Nhiều tụ điểm giải trí đóng cửa

Sau năm 1975, tại TPHCM, hầu hết các phòng trà trước đó phải đóng cửa. Đến những năm 90, nhiều phòng trà hoạt động trở lại, như Đồng Dao, 2B, Feeling, Tiếng Tơ Đồng, Em &Tôi… Một số phòng trà mới cũng ra đời: Không tên, We, ATB, Tiếng Xưa, MTV…

Cuối những năm 90 và đầu những năm 2000 được xem là giai đoạn “vàng son” của phòng trà ca nhạc ở TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay vì lý do như sự phát triển của các loại hình biểu diễn mới, giá thuê mặt bằng, cát xê cho ca sĩ quá cao, tiền nước và phụ thu không đủ chi nên có nhiều phòng trà phải đóng cửa hoặc chuyển ra xa trung tâm.

Các phòng trà như 2B, phòng trà ATB, phòng trà MTV… hiện đã đóng cửa. Lĩnh vực sân khấu cũng lâm cảnh tương tự, sân khấu kịch 5B cơ sở vật chất xuống cấp. Một vài sân khấu phải di dời, ngưng hoạt động như sân khấu 126 (Cách mạng tháng tám). Mới đây, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng phải lên tiếng báo động về tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn.

Tấn Chương

Top