Tước giấy phép lái xe vụ ô tô đâm máy bay

30/08/2015 11:06 AM

(Chinhphu.vn) - Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thiết bị mặt đất trong 24 tháng đối với công nhân lái xe chở băng chuyền của Xí nghiệp phục vụ mặt đất Tân Sơn Nhất va vào bụng máy bay của China Airlines.

Máy bay của Hãng hàng không China Airlines. (Ảnh: wikipedia)

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa phát đi thông cáo về việc tàu bay A330/BI8312 của hãng hàng không China Airlines (Đài Loan) bị xe băng chuyền của Xí nghiệp phục vụ mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) va vào phần dưới bụng hầm hàng số 5.

Cụ thể, ông Trương Văn Toản, lái xe chở băng chuyền của TIAGS đã thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động theo quy định, gây mất an toàn hàng không nghiêm trọng.

Trước đó, lúc 10h40’ ngày 27/8, tại bến đậu tàu bay số 18, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN 21005 trong quá trình tiếp cận tàu bay A330/BI8312 của Hãng hàng không China Airlines đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng số 05 gây xước bụng tàu bay kích thước dài 1,3m, rộng 0,6m chỗ sâu nhất 2cm và 3 rivê nối tấm kim loại ở bụng tàu bay bị bung.

Ngay sau khi nhận thông tin, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có mặt tại hiện trường để đánh giá giải quyết vụ việc.

Theo kết luận của Cảng vụ Hàng không miền Nam, nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản đã điều khiển xe băng chuyền SGN 21005 tiếp cận tàu bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận tàu bay.

Ông Trương Văn Toản đã làm tắt các bước để tiếp cận vào tàu bay trước khi ông Nguyễn Công Bằng vào vị trí đánh tín hiệu tiếp cận (có yêu cầu ông Bằng về vị trí đánh tín hiệu). Sau khi thả phanh tay ông Trương Văn Toản đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng (chân phanh) do bất cẩn làm cho xe băng chuyền SGN 21005 chồm lên chui qua bụng tàu bay, góc phải mui chắn mưa của xe băng chuyền va chạm phần dưới bụng hầm hàng 05 tạo nên vết va chạm như mô tả ở trên. Để đảm bảo an toàn, tàu bay phải dừng khai thác để thực hiện đánh giá cho việc khắc phục/sửa chữa.

Trong khi làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng, ông Trương Văn Toản đã trung thực khai báo và tường trình sự việc một cách rõ ràng. Qua xem xét ông Toản có nhân thân rõ ràng, được đào tạo đầy đủ, các chứng chỉ/giấy phép (còn thời hạn).

Trong ngày 27/8, ông Toản sức khỏe bình thường, không bị áp lực công việc, không có nồng độ cồn trong hơi thở (có kết quả đo), đồng thời ông Toản biết trước kế hoạch khai thác nên không có bất cứ áp lực gì khi phục vụ chuyến bay.

Được biết, Hãng hàng không China Airlines đánh giá tổng thiệt hại từ sự cố lên tới một triệu USD. Ngoài chi phí sửa chữa máy bay hư hỏng, hãng này còn phải chi phí cho một máy bay sang Việt Nam chở khách thay chiếc bị hỏng, đền bù hành khách bị chậm chuyến, bố trí chuyến bay cho nhiều hành khách nối chuyến, thiệt hại kinh tế khi máy bay phải ngừng hoạt động nhiều ngày...

TIAGS đang cùng với Hãng hàng không China Airlines xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại.

Phan Trang

Top