Tuyển sinh đâu phải chuyện đùa

19/07/2018 11:03 AM

(Chinhphu.vn) - Bước vào giai đoạn khởi động của đợt 1 nhưng mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 đã xuất hiện lắm chuyện bi hài khiến nhiều người… cười ra nước mắt. Lý do là bởi chỉ mấy ngày trước, nhiều trường ồ ạt hạ điểm sàn xét tuyển đến mức khó tin nhưng rồi vài ngày sau, không hiểu vì lý do gì, họ lại âm thầm tăng ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ. Nhiều trường chọn mức 15 điểm làm ngưỡng tối thiểu xét tuyển

Niềm vui sau buổi thi của các thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia tại TPHCM. Ảnh: VGP

10,5 điểm đủ chuẩn nộp hồ sơ xét tuyển đại học?

Chưa khi nào cụm từ “điểm sàn xét tuyển đại học” được nhắc nhiều như giai đoạn này, khi mà thí sinh bắt đầu quy trình thay đổi nguyện vọng xét tuyển và các trường đại học tăng tốc tuyển sinh.

Năm nay, điều khiến nhiều người bất ngờ đến mức thất vọng là rất nhiều trường đại học đưa ra ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển quá thấp, thậm chí có trường chỉ 10,5 điểm, tức chỉ cần mỗi môn thi đạt 3,5 điểm là đã có thể đường đường chính chính đến nộp hồ sơ vào đại học - chuyện tưởng đùa nhưng lại có thật.

Mức 10,5 điểm nói trên là ngưỡng sàn xét tuyển mà Trường Đại học Quang Trung (tỉnh Bình Định) công bố hôm 16/7. Tương tự, Trường Đại học Xây dựng miền Trung (tỉnh Phú Yên), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) cũng đưa ra mức sàn xét tuyển khá khiêm tốn cho nhiều ngành là 11 và 12 điểm.

Cùng với các trường trên, hàng chục trường đại học khác cũng đã đưa ra mức điểm sàn xét tuyển từ 12 đến 13 điểm ngay trong đợt 1 của mùa tuyển sinh 2018. So với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 15,5 điểm của năm 2017, 15 điểm của năm 2016, 2015, sàn xét tuyển của nhiều trường năm nay quá thấp, chưa bằng mức sàn xét tuyển cao đẳng của các năm trước. Tuy nhiên, đến ngày chiều ngày 18/7, trên website của mình, hầu hết các trường đều đã xóa mức điểm sàn công bố trước đó và đưa ra mức điểm sàn mới.

Nhiều chuyên gia lo rằng, với mức điểm thi thuộc dạng yếu (3,5 đến 4 điểm/môn) vẫn đủ chuẩn để vào đại học thì liệu sinh viên có trụ nổi trong môi trường giáo dục cần nhiều kiến thức chuyên sâu và khi ra trường có đủ kỹ năng để kiếm được việc làm không hay vừa tốt nghiệp đã… thất nghiệp.

Vẫn biết đây chỉ là mức sàn để tiếp nhận hồ sơ nhưng ai có thể chắc chắn với tư duy tuyển sinh kiểu tận dụng như thế này, sàn xét tuyển không nghiễm nhiên biến thành điểm trúng tuyển. Nhiều người gọi đây là “thảm họa tuyển sinh” bởi với đầu vào èo uột như thế làm sao các trường có thể đủ kiên nhẫn để đào tạo cho được những cử nhân, kỹ sư chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường lao động?

Đồng loạt nâng điểm sàn xét tuyển

Chưa hết ngạc nhiên vì hiện tượng sàn xét tuyển đại học quá thấp xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành thì ngay trước giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (19-28/7), dư luận lại bất bình khi chứng kiến hiện tượng trước đây chưa từng có bởi nhiều trường đại học lại âm thầm nâng mức điểm sàn xét tuyển.

Trên trang web của mình, Trường Đại học Xây dựng miền Trung hôm 18/7 đã có văn bản thông báo việc điều chỉnh ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ lên 13 điểm cho tất cả các tổ hợp. Trước đó, ngày 14/7, mức sàn xét tuyển do chính trường này công bố chỉ 11 điểm.

Ngày 18/7, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng công bố thay đổi ngưỡng điểm tối thiểu xét tuyển hồ sơ năm 2018. Theo đó, nhà trường chỉ giữ lại mức điểm sàn 18 điểm như đã công bố hôm 14/7 đối với ngành Răng hàm mặt. Còn lại tất cả các ngành đều được điều chỉnh ở mức điểm cao hơn từ 2 đến 3 điểm. Trước đó, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã công bố điểm sàn xét tuyển 29/31 ngành từ mức 12 điểm.

Khó hiểu nhất vẫn là phương thức nâng điểm sàn xét tuyển liên tục của Trường Đại học Quang Trung. Nếu như trước đó trường đưa ra mức sàn là 10,5 điểm thì trong ngày 18/7 trường đã có hai lần nâng điểm. Lần đầu nâng thành 12 điểm, lần kế tiếp nâng thành 13 điểm.

Nhiều trường đại học khác nằm trong tốp điểm sàn cực thấp cũng đã âm thầm công bố mức điểm mới, tăng thêm từ 2-3 điểm. Trả lời báo Thanh Niên vì lý do nâng sàn xét tuyển, ông Võ Ngọc Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung, cho biết ban đầu trường đưa ra mức điểm xét tuyển là 10,5 điểm. Nhưng Bộ GD-ĐT không đồng ý mức điểm xét tuyển này, đề nghị các trường xét tuyển ít nhất từ 13 điểm trở lên. Hiện tại, mức điểm xét tuyển của trường đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT là 13 điểm.

Theo quy chế tuyển sinh thì 2018 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT bỏ khái niệm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Thế nhưng tại sao khi các trường đưa ra sàn xét tuyển thấp lại bị “tuýt còi” và yêu cầu chỉnh sửa lại mới được đăng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT? Vậy, quyền tự chủ tuyển sinh nằm ở đâu và các trường phải làm như thế nào cho đúng?

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường làm vậy sau khi đã công bố thông tin đến thí sinh và phụ huynh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các trường. Tại sao trước khi giao quyền cho các trường, Bộ GD-ĐT không làm việc cụ thể để các trường biết giới hạn tuyển sinh nhằm tránh tình trạng đáng tiếc vừa xảy ra.

Và cuối cùng, việc để xảy ra một mùa tuyển sinh nhiều biến động đến mức thiếu nghiêm túc như vậy, Bộ GD-ĐT hay các trường sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trước sự lung lay niềm tin trong lòng không ít thí sinh? Dư luận và thí sinh đang đợi chờ câu trả lời cho vấn đề này.

Mức sàn xét tuyển mà Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng công bố hôm 14/7, trong đó 29/31 ngành của trường có ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ chỉ từ 12 điểm.
Mức sàn xét tuyển mới được Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng công bố đã tăng hơn so với mức cũ.
Mức sàn xét tuyển gây tranh cãi của Trường Đại học Quang Trung.
Mức sàn điều chỉnh lần 1 của Trường Đại học Quang Trung ngày 18/7 (12 điểm).
Mức sàn điều chỉnh lần 2 của Trường Đại học Quang Trung ngày 18/7 (13 điểm).
Trường Đại học Xây dựng miền Trung cũng đã nâng mức sàn xét tuyển từ 11 điểm lên 13 điểm.

Gia Mỹ

Top