Tỷ lệ zombie công sở tại Việt Nam đang tăng nhanh

13/10/2017 6:05 PM

(Chinhphu.vn) - Cứ 10 người thì có 4 người không gắn kết với công ty. Họ làm việc vật vờ, thiếu nhiệt huyết, như xác không hồn, chất lượng công việc thiếu ổn định, không quan tâm, hỗ trợ đồng nghiệp. Dù vậy không ít trong số những “xác sống” này sẽ không bao giờ nghỉ việc.

Sau nhiều năm khảo sát những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, nhà tư vấn nhân sự Anphabe đã cho công bố thông tin gây sốc tổng hợp từ các khảo sát trên tại Hội nghị về nhân sự mới diễn ra ở TPHCM, rằng có đến 39% nhân viên hiện nay không hề gắn bó với doanh nghiệp. Và nhà khảo sát gọi đó là những “zombie công sở”.

Điều đáng nói là trong số những người “làm việc cho có” này, đến hơn 2/3 sẽ không bao giờ rời bỏ doanh nghiệp. Đơn giản có lẽ vì họ cũng chẳng có nơi nào khả dĩ hơn để đến. Và hệ quả tất yếu là những nhân viên ấy sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên bầu không khí chung bằng những hành vi và thái độ chán nản chốn công sở.

Cũng theo nhà khảo sát, hội chứng “zombie công sở” khiến doanh nghiệp thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc.

Tất nhiên, không riêng gì Việt Nam, “zombie công sở” là hội chứng khá phổ biến trên toàn thế giới. Nếu tham khảo thêm dữ liệu từ nhà tư vấn nhân sự Towers Watson thì có thể thấy trong khi tỷ lệ bình quân của toàn cầu là 26% thì Việt Nam cùng với Thái Lan, là 2 nước có tỷ lệ “zombie công sở” cao nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Zombie công sở tại Việt Nam xuất hiện ở đủ mọi vùng miền, cấp bậc, giới tính và tuổi tác. Đáng chú ý, xu hướng “zombie công sở” đang lây lan rất nhanh, với tỷ lệ “zombie công sở” năm 2016 thậm chí đã gấp đôi năm 2015 trước đó. Có điều, trong khi những người quản lý có khả năng “kháng” zombie tốt hơn thì xu hướng lớp nhân viên trẻ mắc phải hội chứng zombie ngày càng nhiều.

“Đáng lo hơn cả là các bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học khoảng 2-3 năm gần đây. Có những bạn mới đi làm 2 năm mà CV (hồ sơ cá nhân) đã lên tới 3-4 chỗ làm rồi”, bà Thanh Nguyễn, giám đốc Anphabe thông tin thêm.

Tuy vậy, nhà tư vấn nhân sự trên tin rằng việc “điều trị” cho những nhân sự làm việc vật vờ này dù sao vẫn hiệu quả hơn so với việc chia tay họ để liên tục tuyển dụng người mới. Giải pháp “bàn tay sắt” chỉ nên được dùng đến khi nhân viên zombie đã hoàn toàn “hết thuốc chữa”.

Được biết, khảo sát được thực hiện online năm 2016 với hơn 26 nghìn người đang đi làm tại 600 doanh nghiệp và thông qua phỏng vấn trực tiếp 50 tổng giám đốc.

Phương Hiền

Top