Ưu tiên cao nhất các nguồn lực cho TPHCM chống dịch

22/07/2021 10:25 PM

(Chinhphu.vn) – Bộ Y tế đang dành ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch tại TPHCM, cả về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế... và cả về sự hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn.

Để trực tiếp hỗ trợ TPHCM chống dịch, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện nhiều ca COVID-19 mới trong đợt dịch này, Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt tại TPHCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn.

Hiện nay, hơn 30 lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM.

Bộ Y tế cũng đang duy trì hoạt động của 7 đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các tỉnh này còn nhận được sự chi viện từ các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/7, Bộ Y tế đã thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam, trong đó sẽ tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.

Chỉ trong 5 ngày, đến hôm nay (22/7), Bộ Y tế đã chuyển đến kho trang thiết bị này 399 máy thở các loại (trong đó có 299 máy thở chức năng cao, máy xâm nhập và không xâm nhập để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch). Cùng với đó là  800 máy thở do doanh nghiệp hỗ trợ TPHCM và các tỉnh.

Bộ Y tế đã chuyển 3 hệ thống ECMO (trong đó có 2 hệ thống cho TPHCM và 1 cho Đồng Nai); 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo ô xy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này.

Ngoài số trang thiết bị trên, Bộ Y tế cũng đã chuyển 60 hệ thống thở ô xy dòng cao đến kho dự trữ này. Dự kiến, ngay trong tuần này, Bộ Y tế tiếp tục cấp 500 hệ thống thở oxy do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ, tổng cộng 560 hệ thống.

Bộ cũng chuyển 1,4 triệu test xét nghiệm nhanh phân bổ cho TPHCM và một số tỉnh phía Nam.

Hiện, trong kho dã chiến này, số vật tư y tế đã sẵn sàng cho công tác chống dịch có 125.000 khẩu trang N95; 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại; 12.000.000 khẩu trang y tế.

Hướng dẫn bám sát thực tế

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, để điều chỉnh phù hợp với thực tế phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết liệt chỉ đạo ban hành thần tốc nhiều văn bản, hướng dẫn quan trọng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, giúp các địa phương thực hiện linh hoạt và hiệu quả.

Khi số ca mắc tại các tỉnh miền Nam gia tăng, đồng nghĩa với số ca F1 cũng tăng nhanh chóng, gây áp lực và khó khăn ngay tại địa phương. Sau khi khảo sát thực tế và tham khảo khuyến cáo của các tổ chức WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cụ thể, giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/ nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng hướng dẫn tạm thời cách ly F1 tại nhà, thay thế cho hướng dẫn ban hành tháng 6/2021. Tùy vào tình hình thực tế, các địa phương có thể điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp với địa phương mình. Bộ Y tế cũng chỉ rõ, sau thí điểm cách ly F1 tại nhà, các địa phương cần đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.

Về điều trị, nhằm giảm số lượng người bệnh COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Bộ Y tế hướng dẫn, với các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24h) hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30). Sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. 

Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi. Sau 24h làm lại xét nghiệm, nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện và trong thời gian tự theo dõi tại nhà 14 ngày, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch.

Bảo đảm nhân lực, trang bị cho chống dịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tính đến ngày 20/7, đã có hơn 6.400 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động đến TPHCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến với TPHCM về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 8/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, “TPHCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”, Bộ phối hợp chặt chẽ, trao đổi rất cụ thể với Thành phố để chi viện, tăng cường lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, không để bệnh nhân thiếu máy thở, thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế.

Hiện nay, có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Năng lực sản xuất của các nhà máy oxy trên cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50-100% công suất. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy, tăng khả năng phân phối.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực miền Nam.

“Bộ Y tế đã chuẩn bị kịch bản dài hơi với mua sắm sinh phẩm chẩn đoán do nhu cầu rất lớn, với đặc tính sinh học lây lan nhanh của biến chủng virus đợt này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ Y tế cũng đã đưa ra kịch bản, sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… về xét nghiệm nhanh, đồng thời tăng cường sản xuất trong nước về xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…

“Bộ đã có kế hoạch thiết lập Trung tâm hồi sức cấp vùng để sẵn sàng hỗ trợ địa phương phía Nam khi cần”, Bộ trưởng nhấn mạnh tại cuộc họp với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An, ngày 21/7.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, thực hiện “4 tại chỗ” của Chính phủ, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện khám bệnh, chữa COVID-19 trong cả nước, đặc biệt các bệnh viện tại TPHCM, các tỉnh phía Nam và các tỉnh đang có dịch bùng phát, cần khẩn trương rà soát, đảm bảo sẵn sàng các phương án, điều kiện đảm bảo cung ứng, tiếp nhận sử dụng oxy y tế tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu chuyên môn phục vụ phòng chống dịch.

Bên cạnh những điều chỉnh để các địa phương thực hiện linh hoạt, hiệu quả công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vẫn luôn nhấn mạnh khuyến cáo tới người dân, hãy ở trong nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, hạn chế mọi sự tiếp xúc với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người, nếu thực hiện theo Chỉ thị 16 thì không tập trung quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Hướng dẫn mới về xét nghiệm lái xe

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, ngày 19/7, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông nội bộ tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn thì không phải kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2.

Sau 4 ngày triển khai thực tế, tiếp nhận phản ánh của những người vận chuyển hàng hoá, hôm nay 22/7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về kiểm tra quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá thực hiện. Theo đó, tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 và trên các tuyến giao thông, không kiểm tra Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá khi lưu thông giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang cùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh thực hiện giãn cách...

Hiền Minh

Top