Vì sao TPHCM cần tái cấu trúc các KCX-KCN?

12/10/2019 11:23 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của TPHCM vào các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX- KCN) đã giảm bớt so với các địa phương lân cận, do giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. V ì vậy, việc đổi mới, tái cấu trúc các KCX-KCN tại TPHCM là yêu cầu c ấp thiết hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, khác với các nền kinh tế thành công ở châu Á, chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam đã không đặt ưu tiên cần thiết cho TPHCM. Cùng với cách nhìn chính thống và nhiều chính sách hạn chế khiến TPHCM đang ngày càng thất thế so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

TPHCM, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, nơi “thí điểm mô hình” KCX đầu tiên trên cả nước, đến nay, có 17 KCX-KCN trong tổng số 19 KCX-KCN được thành lập đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt tỷ lệ lấp đầy gần 70%.

Lũy kế đến cuối năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trong các KCX-KCN đạt hơn 66,4 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu chung và khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Thành phố.

Dự báo của Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), lũy kế đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn đầu tư vào KCX-KCN của TPHCM hơn 12,4 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 6,8 tỷ USD, khu vực trong nước là 5,6 tỷ USD.

Điều kiện kinh doanh không còn hấp dẫn

Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban quản lý Hepza cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả đầu tư KCX, KCN chưa cao, tồn tại các vấn đề về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Theo nghiên cứu mới đây giữa Hepza phối hợp cùng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) thì đa số các dự án đầu tư nước ngoài trong KCX-KCN chủ yếu sản xuất gia công, thâm dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp, tập trung vào các ngành: Dệt may, da giày, lắp ráp điện tử.

Quy mô vốn đầu tư nhỏ, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài bình quân dưới 5 triệu USD chiếm tới 73%. Trong khi, nhiều DN trong nước, nhất là các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghệ chỉ ở mức trung bình và lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong những năm qua khá cao nhưng có xu hướng giảm dần. Năm 2011, tăng trưởng kinh tế đạt 12,4% nhưng đến năm 2018 chỉ còn 8,3%. Sự suy giảm này một phần lớn là do tốc độ tăng trưởng công nghiệp giảm (năm 2011 đạt 8,4% nhưng năm 2018 chỉ còn 8,15%). Nguyên nhân xuất phát từ rào cản của các điều kiện sản xuất kinh doanh, nhất là khi hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh trở nên quá tải: Hạ tầng giao thông, logistics, liên kết sản xuất yếu... Vì vậy, DN Thành phố có xu hướng đầu tư ngoại tỉnh ngày càng nhiều.

Đáng kể nhất là chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất của TPHCM (bình quân khoảng 125 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm), trong khi giá thuê của các tỉnh, thành lân cận thấp hơn đáng kể như Đồng Nai chỉ 74 USD, Bình Dương khoảng gần 45 USD hay Long An 76 USD... trong khi quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp Thành phố ngày càng hạn chế.

Nhiều DN cho biết, các tỉnh, thành phố lân cận TPHCM không chỉ có giá thuê rẻ hơn mà quỹ đất cũng còn nhiều và cơ chế thủ tục rất nhanh chóng.

Cần cơ chế chính sách và hạ tầng đồng bộ

Ông Trần Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình - Tanimex (chủ đầu tư KCN Tân Bình-DN lựa chọn Long An thay vì TPHCM để xây dựng nhà máy) cho rằng, TPHCM đang “vướng” phải vấn đề thể chế là chính, chứ không chỉ đơn thuần là giá đất cho thuê.

Ông Trường nêu quan điểm, TPHCM cần “nâng tầm giá trị” bằng cách phát triển đồng bộ hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, chứ không nên cạnh tranh về giá, vì thực tế giá đền bù để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các KCN đã cao, nên giá cho thuê cũng phải cao.

“DN có thể chấp nhận giá thuê đất KCN ở Thành phố cao hơn các địa phương khác nhưng những điểm trừ là cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, ngập nước, kẹt xe, thủ tục hành chính chưa cải thiện nhiều làm nản lòng DN", ông Trường cho biết.

Hiện, TPHCM đã có nhiều chính sách ưu đãi DN, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại vướng thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài, khiến rất ít DN được hưởng lợi, làm giảm hiệu quả của chính chính sách, chương trình đó.

Đồng quan điểm trên, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc KCN Hiệp Phước cho rằng, muốn thu hút nhà đầu tư, các KCX-KCN của Thành phố phải có cơ chế chính sách hấp dẫn hơn. TPHCM đang có mô hình quản lý “Một cửa, tại chỗ” để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, đôi khi trong quá trình thực hiện thì lại bị vướng mắc bởi “những quy định trong Nghị định về KCX -KCN, thì Luật chưa có”.

Theo ông Phương, chính TPHCM phải nêu những điểm còn vướng mắc để Chính phủ và Quốc hội có những giải pháp hỗ trợ. Cùng với đó TPHCM cần linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù theo hướng Thành phố và DN đầu tư cùng có lợi nhằm duy trì nguồn thu ngân sách bền vững.

Nhiều DN cũng cho rằng, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam, TPHCM phải tập trung đẩy nhanh tiến độ cải thiện hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng các KCX-KCN nói riêng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ sinh viên và cả công nhân đang lao động tại các KCX-KCN. Cùng với đó, các công ty đầu tư hạ tầng phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý cần thiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN trong KCX-KCN, tạo điều kiện để DN mở rộng phát triển đầu tư sản xuất.

Hướng đến mô hình KCN tập trung, chuyên môn hoá cao

Theo ông Đào Xuân Đức, trước bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà các yếu tố đầu vào (lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào) không còn là thế mạnh, Thành phố phải quy hoạch KCN mới, tái cấu trúc các KCX-KCN; dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo như KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ...

Thực tiễn cho thấy, việc hình thành các KCN tập trung, có tính liên kết và chuyên môn hóa cao giữa các DN công nghiệp hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học theo kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã hình thành tại Việt Nam và bước đầu mang lại những thành công.

Tiêu biểu như Khu Phức hợp Chu Lai - Trường Hải, gồm nhiều nhà máy và các DN Công nghiệp hỗ trợ; các DN trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất; các DN cung cấp những giải pháp logistics thích hợp, tối ưu và tiết kiệm, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Tương tự là Tổ hợp nhà máy VinFast gồm nhà điều hành, khu nhà sản xuất xe máy điện, khu nhà sản xuất ôtô, khu công nghiệp phụ trợ với nhiều DN, trung tâm đào tạo và viện nghiên cứu và phát triển R&D. Từ tổ hợp của Vinfast, đã cho ra đời thương hiệu ô tô mang thương hiệu Việt đầu tiên.

Với TPHCM, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư cũng như phát triển các KCN mới, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả mô hình quản lý “Một cửa, tại chỗ”. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp cho quá trình chuyển đổi KCX, KCN và xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của Thành phố.

Lê Anh

Top