Vở nhạc kịch của hòn đảo ngục tù

15/02/2019 7:18 AM

(Chinhphu.vn) - Nhạc sĩ Trần Vương Thạch cho hay, tôi đã có một ngày lùng sục khắp các khu nhà Pháp cũ ở Côn Đảo để tìm kiếm vết dấu của Camille Saint Saen.

Vở nhạc kịch “Brunehilda” đã được trình diễn 2 đêm tại TPHCM. Ảnh: VGP/Bình Nguyên

Camille Saint Saens (1835-1921) là nhạc sĩ Pháp tài danh thời kỳ Lãng mạn. Các tác phẩm opera bất hủ của Saint-Saens có thể kể tên gồm: “Lễ hội muông thú”, “Vũ điệu tử thần”, “Samson - Dalilah” và đặc biệt là vở nhạc kịch bi tráng “Brunehilda”, được sáng tác tại Côn Đảo.

Theo tư liệu của Thư viện quốc gia Pháp: Năm 1895 Saint-Saens được Chúa đảo lúc đó là Louis Jacquet mời ra sống tại Côn Đảo từ ngày 20/3 đến 19/4 năm 1895. Đó là thời gian ông đã hoàn tất vở nhạc kịch “Brunehilda”. Đây là một tác phẩm lớn, lúc đầu do người bạn thân của Saint-Saens là Guiraud sáng tác, phỏng theo các tác phẩm văn học của Grégoire de Tours và Augustin Thierry.

Guiraud khởi thảo từ năm 1889, đến năm 1892 thì lâm bệnh qua đời. Trước lúc lâm chung, Guiraud ủy thác cho Saint-Saens thay ông tiếp tục sáng tác để hoàn thành “Brunehilda”. Do Saint-Saens ở Côn Đảo, trong nhạc kịch có âm thanh sóng biển gào thét, tiếng kêu thảm thiết của tù nhân bị tra tấn, tiếng xiềng xích vang vọng trong đêm tối, nỗi khát vọng đòi tự do, thể hiện rất rõ nét.

Nhạc sĩ Trần Vương Thạch nhớ lại thời còn là sinh viên Nhạc viện TPHCM, thầy Quang Hải một lần chia sẻ: Chúa đảo Louis Jacquet đã cho đúc bảng đồng gắn lên trước ngôi nhà nơi Saint-Saens từng lưu trú trong thời gian ở Côn Đảo với dòng chữ bằng tiếng Pháp: “Nhạc sĩ lớn Camille Saint-Saens đã sống tại đây từ 20/3 - 19/4 năm 1895, và ở đây ông đã hoàn tất vở nhạc kịch Brunehilda”. Giọng nhạc sĩ Quang Hải rất buồn: “Tôi đã thấy bảng đồng này ở Côn Đảo, tiếc rằng người dân đã gỡ xuống. Nói xin hoặc mua lại thế nào họ cũng không chịu, giận thế!”.

Cách đây ít năm, nhân chuyến công tác trở về từ Na Uy, Thạch đã dừng lại ở Pháp một tuần, quyết tìm cho bằng được bản thảo vở nhạc kịch “Brunehilda”. Đi tìm nhiều nơi không kết quả cuối cùng, người ta chỉ sang Nhà hát Paris Opera. Nơi này có khu lưu trữ thật đồ sộ, sạch sẽ và ngăn nắp. Chờ tới 30 phút, cô thủ thư vốn từng làm luận văn tiến sĩ về Saint-Saens, đẩy chiếc xe chất 5 kiện tài liệu to vật, bày ra trước mặt. Thật lạ, giấy vẫn còn thơm, dai, khó nghĩ đã lưu trữ hơn 100 năm. Thạch xin chụp, nhưng cô ta không cho.

Gặp người quản lý trình bày, lúc đầu ông ta đồng ý, mấy phút sau lại nói không được, vì hai tác giả Guiraud, Saint-Saens đã chết hơn 70 năm thì hết nguyên tắc về bản quyền, nhưng người phối khí là P. Dukas vẫn đang sống thì sao đây? Thạch phải thuyết phục mãi, rằng thiện ý của các đồng nghiệp Việt Nam chỉ là muốn vinh danh Saint Saens tại nơi mà ông đã hoàn thành vở nhạc kịch bất hủ. Cuối cùng, người phụ trách cũng đồng ý cho Thạch nộp lệ phí photo tác phẩm. Tuy nhiên ông ta vẫn giáo: “Không chắc đâu nhé”.

Mấy tháng sau, vào ngày đẹp trời, Trần Vương Thạch nhận được mấy kiện hàng, cứ khen hoài “ông Tây này đứng đắn thật”. Thạch liền photo thêm một bản gửi cho Côn Đảo. Một lãnh đạo huyện đòi: “Ông phải có thêm bằng chứng là tác phẩm được viết tại Côn Đảo”. Nhạc sĩ Trần Vương Thạch lại phải tìm đến Trung tâm Lưu trữ QG II, lật từng chồng báo cũ, đã hoen ố, bụi bặm. May sao vẫn còn một số báo ghi tàu Saghalien từ Marseille đến Sàigòn có tên Saint Saens trong danh sách những người cùng chuyến.

Vở nhạc kịch “Brunehilda” đã được trình diễn 2 đêm tại TPHCM cách đây không lâu, nay Nhà hát tiếp tục hoàn chỉnh, dự kiến sẽ đến Côn Đảo cuối năm nay. Biết đâu sẽ trở thành “đặc sản” của hòn đảo địa đàng từng là chốn ngục tù - thời Camile Saint Saens từng ở, và cũng là tin trong những ngày đầu xuân, món quà dành cho các bạn yêu nhạc kịch.

Bình Nguyên

Top