Vốn tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản tại TPHCM

25/06/2018 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Nếu như năm 2015, trên địa bàn TPHCM, vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản thành phố khoảng 140.000 tỷ đồng thì chỉ hơn 5 tháng đầu năm 2018, số vốn tín dụng ước lên đến 202.000 tỷ đồng.

Theo HoREA, nguyên nhân tăng trưởng nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản là do Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh tương tự nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nguồn vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản thành phố luôn tăng từ năm 2015 đến nay. Theo đó, năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; năm 2016 khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6%; năm 2017 khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 10,7% và hơn 5 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản ước khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).

Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bất động sản tại TPHCM cũng xu thế tăng dần trong những năm gần đây. Trên bình diện cả nước, vốn ngoại thường giữ vị trí thứ 3 trong thu hút vốn FDI, tuy nhiên, riêng tại thành phố, nhiều năm nguồn vốn này luôn giữ vị trí dẫn đầu.

Cụ thể, năm 2015, nguồn FDI đổ vào bất động sản đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53,3%). Tuy năm 2016, số vốn có sự sụt giảm nhưng cũng lên đến 1 tỷ USD và năm 2017 cũng đạt 1,01 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2018, số vốn ngoại cũng ước đạt 216,3 triệu USD.

Cũng theo HoREA, nguồn kiều hối gửi về nước hàng năm luôn giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD. Trong đó, TPHCM chiếm khoảng 50%, và có khoảng 21% đầu tư vào bất động sản.

Đáng chú ý, trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán. Trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, cũng đã có 4 doanh nghiệp lên sàn. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán.

HoREA cho rằng, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngọc Tấn

Top