Vốn và đất cho nhà ở xã hội: Khéo ăn vẫn no, khéo co vẫn ấm!

22/02/2019 4:07 PM

(Chinhphu.vn) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng và Bộ Xây dựng đề xuất hàng loạt kiến nghị đóng góp cho chính sách nhà ở xã hội khu vực đô thị.

Trong tổng số hơn 400.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM có đến 280.000 người cần nhà giá rẻ. Việc cho xây căn hộ dưới 45m2 là giải pháp cần thiết để giải quyết bài toán nhà ở hiện nay cho đông đảo người dân Thành phố. Ảnh: VGP

Cần mở lối để ngân sách “đi” vào NOXH

Trong văn bản vừa mới gửi đến Thủ tướng và Bộ Xây dựng của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), đáng chú ý nhất là những đề xuất tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới nguồn vốn ngân sách dành cho thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NOXH). Theo HoREA, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (2016-2020), trong đó dành 1.260 tỷ đồng thực hiện chính sách NOXH, nhưng so với nhu cầu quá lớn hiện nay thì con số này vẫn là “muối bỏ bể”. 

Ngoài ra, Nghị định 100/2015/NĐ-CP lại quy định đến năm 2020 Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cho vay đối với các chủ đầu tư dự án NOXH. Do đó, đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án NOXH “đuối hơi” do không được “tiếp sức” để hoàn thành, những người vay mua NOXH chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được hưởng cơ chế vay vốn ưu đãi nữa, và phải chuyển sang vay thương mại. Khó khăn tài chính vì vậy đang bủa vây cả chủ đầu tư lẫn người mua NOXH.

Để tháo nút nghẽn này, HoREA cho rằng rất cần Quốc hội bổ sung nội dung bố trí khoản chi cho NOXH hàng năm vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 để Chính phủ có căn cứ thực hiện. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nêu ý kiến phần ngân sách 1.260 tỷ đồng trên đây nên được phân bổ không chỉ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội mà phải đến cả 4 nhà cho vay vốn rất giàu kinh nghiệm với NOXH là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

HoREA còn kiến nghị Thủ tướng ra quy định về lãi suất cho vay ưu đãi NOXH như lãi suất với gói 30.000 tỷ đồng trước đây (5%/năm) để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. “Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NOXH chỉ từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị”, văn bản của HoREA nêu rõ.

Riêng đối với NOXH cho thuê, HoREA cũng nêu lại một đề xuất từng nhiều lần đề cập là cho phép giảm khoản đặt cọc của bên thuê nhà từ mức “3 - 12 tháng” về còn “1-3 tháng” như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà.

Đất cho NOXH, cần nguồn lực cả “công” lẫn “tư”

Cũng trong văn bản trên, HoREA tin rằng trong bối cảnh đất đai khan hiếm hiện nay, TPHCM vẫn có thể xoay xở tìm thêm quỹ đất cho xây dựng NOXH bằng cách duyệt quy hoạch phát triển NOXH, nhà ở thương mại vừa và nhỏ giá rẻ, với khoảng 25% là loại căn hộ diện tích từ 25m2 đến 45m2 ở những khu vực có tính liên quận, nhất là tại các huyện có quỹ đất nông trường.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng có thể sử dụng hiệu quả quỹ đất công; quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để làm NOXH (như yêu cầu của Luật Nhà ở);

Cụ thể, HoREA cho là quy định “dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây NOXH ngay bên trong dự án” có thể chưa phù hợp. Vì vậy nên cho phép tất cả các nhà đầu tư được lựa chọn 1 trong 3 phương án gồm: Xây dựng NOXH tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NOXH có giá trị tương đương tại vị trí khác; hoặc cho DN bất động sản thanh toán bằng tiền. Nguồn thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NOXH theo quy hoạch của địa phương.

HoREA cũng tin rằng giải pháp NOXH đáp ứng nhu cầu rất lớn của lực lượng công nhân, lao động trên địa bàn cũng có thể được gỡ rối nếu TPHCM tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện các thiết chế nhà ở công đoàn.

Ngoài ra, cần có thêm chính sách thí điểm để khuyến khích nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia phát triển NOXH và nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Ví dụ, dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp (từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời dự án, được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi...

Với thực tế TPHCM đã có DN xây dựng NOXH bằng vốn tự có - và dù chưa nhận được ưu đãi nào nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế nhất định - nên HoREA tin rằng nếu có thêm hỗ trợ chính sách như trên thì sẽ càng thu hút nguồn tiền xã hội hóa quan tâm tới NOXH nhiều hơn.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu NOXH cả nước giai đoạn 2011-2020 ước khoảng 440.000 căn. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đến nay mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra.

Phương Hiền

Top