Vụ đất ‘vàng’ số 8-12 Lê Duẩn: Không chỉ bên bán vi phạm luật

23/12/2018 10:19 AM

(Chinhphu.vn) - Câu chuyện mua bán quyền sử dụng hai khu đất ‘vàng’ ở số 8-12, đường Lê Duẩn, tại trung tâm TPHCM vừa qua có thể được xem là điển hình của một thương vụ M&A mà ở đó không chỉ có bên bán vi phạm pháp luật, mà ngay cả bên mua cũng đã bỏ qua nhiều quy định pháp lý. TPHCM chính thức thu hồi khu 'đất vàng' số 8 - 12 Lê Duẩn

Vụ mua bán dự án đất ‘vàng' số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TPHCM) được nhận định có quá nhiều bất thường trong quá trình 'biến' tài sản sở hữu nhà nước 'rơi' vào tay tư nhân. Ảnh: Vũ Dương

Mua cổ phần Nhà nước: Nhà đầu tư cần 3-4 năm chuẩn bị

Theo các chuyên gia và luật sư tại Hội thảo về nhận diện rủi ro pháp lý trong giao dịch mua bán cổ phần diễn ra mới đây tại TPHCM, kể từ khi Việt Nam tuyên bố chủ trương và lộ trình thoái vốn nhà nước khỏi rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) đã sôi động và hấp dẫn hẳn lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thương vụ xuôi chèo mát mái, cũng đã xuất hiện những vướng mắc và tranh chấp mà lẽ ra về mặt pháp lý, nếu đôi bên có sự chuẩn bị kỹ càng thì đã có thể tránh được.

Tạm gác lại những khía cạnh tiêu cực đang được cơ quan điều tra làm rõ thì dưới góc nhìn của luật gia giàu kinh nghiệm Phạm Duy Nghĩa từ Đại học Fulbright Việt Nam - thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - câu chuyện về mua bán quyền sử dụng hai khu đất “vàng” ở số 8-12, đường Lê Duẩn tại trung tâm TPHCM vừa qua có thể được xem là điển hình của một thương vụ M&A mà ở đó không chỉ có bên bán vi phạm pháp luật, mà ngay cả bên mua cũng đã bỏ qua nhiều quy định pháp lý. Vì vậy mới dẫn tới những rắc rối như hiện nay.

Trước hết, nhà đầu tư cần hiểu rằng việc mua bán cổ phần DNNN gắn với rất nhiều văn bản pháp luật. Theo đó, bên mua cần nắm rõ DN đang rao bán cổ phần gồm có những đơn vị con nào khác? Ai là người có thẩm quyền quyết định thương vụ? DN này đã có được những giấy tờ pháp lý cần thiết thể hiện việc sẵn sàng chuyển nhượng cổ phần hay chưa? Ngoài ra, còn phải xem xét những mối liên quan của thương vụ với Luật DN, Luật đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật cạnh tranh… Do đó, với một giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần của một DNNN, bên mua cần từ 3 đến 4 năm để chuẩn bị, tìm hiểu kỹ càng.

“Với trường hợp khu đất số 8-12, đường Lê Duẩn, người mua lẽ ra cần xem xét tính tuân thủ trong xác định giá cổ phần bởi khi bỏ qua quy trình đấu giá nghĩa là đã vi phạm luật quản lý công sản. Luật pháp Việt Nam cũng cho bên mua cổ phần công cụ khởi kiện chính quyền nếu chính quyền vi phạm các cam kết quốc tế và luật pháp của chính mình. Nhưng điều này cũng còn phụ thuộc vào việc bên mua đã làm hết trách nhiệm của mình về kiểm soát rủi ro hay chưa? Người bán nói như thế nào là một chuyện, còn bên mua cũng phải kiểm tra lại các thông tin pháp lý ấy”, ông Nghĩa nêu nhận định.

Với sự chi phối của rất nhiều hành lang pháp lý như vậy nên lộ trình thoái vốn nhà nước trên thực tế chưa thể đạt tiến độ như mong đợi. Không phải nhà nước chưa muốn thúc đẩy nhanh quá trình thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần nắm giữ, cũng không phải do thiếu người mua “hỏi thăm” nhưng bán rẻ thì có thể làm thất thoát tài sản công; bán “hớ” một lần còn gây khó cho những lần thoái vốn sau đó. Vì vậy khi đàm phán để mua cổ phần DNNN, nhà đầu tư cũng cần hiểu vị thế rất khó khăn của người bán.

Vị luật sư giàu kinh nghiệm từ Đại học Fulbright Việt Nam còn cho rằng nếu tính làm ăn ở Việt Nam lâu dài, nhà đầu tư phải chọn cách hài hòa quyền lợi với các bên, kiểu “mình có cơm ăn thì người ta cũng phải có cháo húp”, “nhà đầu tư cũng đặc biệt phải có niềm tin vào chính quyền, phải xây dựng mối hợp tác, thông cảm lẫn nhau giữa DN với chính quyền”.

Mua cổ phần tư nhân: Cẩn trọng với hợp đồng kiểu Anh, Mỹ

Từ góc nhìn về M&A tại khu vực DN tư nhân, những vướng mắc và tranh chấp lại xảy đến theo một chiều hướng khác.

Bởi ở đó, phần lớn các giao dịch M&A diễn ra tại các công ty chưa phải là đại chúng và cũng chỉ là những giao dịch mua lượng cổ phần thiểu số, hiếm có các giao dịch để nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối DN. Do đó, đặc tính chung của các thương vụ này là lượng thông tin để bên mua có thể thẩm định tính pháp lý là rất hạn hẹp. Mức độ sẵn sàng chia sẻ của các chủ DN Việt cho nhà đầu tư cũng còn hạn chế. Vì thế, trong một thị trường M&A “đang lên” như Việt Nam, người bán dường như đang nắm thế thượng phong.

Theo ông Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành Công ty Luật YKVN, các cam đoan, bảo đảm và quy định bồi thường thiệt hại mà người bán cổ phần đưa ra cho bên mua ngày càng ít. Nhà đầu tư muốn đòi các khoản bồi hoàn giờ không dễ như khi thị trường M&A mới phát triển. Đáng chú ý, trong phần lớn các giao dịch M&A ở Việt Nam - dù hành lang pháp lý điều chỉnh là luật pháp Việt Nam nhưng phần lớn các hợp đồng mua bán, sáp nhập lại được soạn theo kiểu mẫu của hệ thống luật pháp Anh, Mỹ. Do đó rất nhiều các khái niệm luật pháp kiểu Anh, Mỹ được đưa vào hợp đồng đã gây ra các xung đột với pháp luật Việt Nam khi “hữu sự”.

May mắn là với rất nhiều tranh chấp về M&A, giờ đây các bên có thể tìm tới Trung tâm trọng tài quốc tế để được tháo gỡ. “Nhà đầu tư nên chọn trọng tài Quốc tế Việt Nam để được thuận tiện hơn trong xử lý các vướng mắc vì họ có lợi thế am hiểu sân nhà”, luật sư Ji Hoon Cha từ Công ty Luật Yoon & Yang khuyến nghị.

Tuy nhiên, không phải tranh chấp nào cũng có thể được “hóa giải” bởi các trọng tài thương mại. Điển hình như các tranh chấp liên quan tới thỏa thuận cổ đông về quyền kiểm soát công ty, hoặc về quyền chuyển nhượng vốn…  “Các tranh chấp liên quan tới cổ đông thường rất phức tạp vì liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau nên chính trọng tài cũng không có thẩm quyền xử lý. Các vấn đề như vậy thuộc phạm trù điều chỉnh của tòa án”, luật sư Trương Nhật Quang nêu ví dụ.

Như vậy, cùng với thỏa thuận tại trọng tài thương mại, các bên trong thương vụ M&A vẫn rất cần tìm kiếm giải pháp, chuẩn bị nguồn lực tư vấn pháp lý và tài chính để theo đuổi cuộc tháo gỡ tranh chấp ở nhiều “mặt trận” khác.

Phương Hiền

Top