Xã hội hóa văn hóa TPHCM: Tăng trưởng 10 lần sau 4 năm

18/01/2018 4:42 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa tại TPHCM đã thu được những kết quả quan trọng. Thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao...

Trang trí đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp lễ, tết được huy động nguồn lực xã hội hóa.

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất nước với 13 triệu dân. Chính vì vậy, nhu cầu phục vụ về phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao rất lớn. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thời gian qua, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao mặc dù có nhiều quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của các hoạt động giao lưu quốc tế cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trong nước và phục vụ cho 13 triệu dân của TPHCM.

Với yêu cầu đòi hỏi đó, Thành ủy, UBND TPHCM cũng đã đưa ra phương châm thực hiện xã hội hóa để chăm lo các hoạt động văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn TPHCM. Thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và trong các lĩnh vực đầu tư các dự án theo hình thức hợp tác công-tư, phát triển cơ sở vật chất cho văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của TPHCM.

Công tác lễ hội, sự kiện đã được đầu tư, nâng cao chất lượng từ nội dung đến công nghê, thể hiện sự hoành tráng và trang trọng, đáp ứng yêu cầu của người dân và du khách, qua đó thu hút được nguồn lực xã hội tham gia hưởng ứng. Đồng thời, Thành phố đã vận động các nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện trang trí nghệ thuật đường phố, trang trí đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp lễ, tết.

Để thực hiện được điều này, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết TPHCM đã cho phép các doanh nghiệp được giới thiệu thương hiệu, quảng bá sản phẩm theo quy định cùng với việc doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định các nghĩa vụ về kinh phí xã hội hóa để thực hiện các hoạt động lễ, tết, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

Chính nhờ những chính sách “mở” như vậy, qua 4 năm thực hiện 2014-2017, giá trị xã hội hóa ngành văn hóa của TPHCM đã tăng gấp 10 lần. Năm 2014 nguồn thu xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của TPHCM là 2,8 tỷ đồng, 2015 là 3,2 tỷ đồng, 2016 là 8,7 tỷ đồng và năm 2017 là 28,6 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay riêng tổ chức cho lễ hội chào đón năm mới, Tết Dương lịch 2018 vừa qua, TPHCM đã thu được 12 tỷ đồng.

Bên cạnh tổ chức các hoạt động lễ hội, chương trình nghệ thuật thì TPHCM cũng đang thực hiện các đề án xã hội hóa về giá treo băng-rôn trên trục đèn chiếu sáng công cộng. “Hiện nay, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để vận động xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực sân khấu, ca múa nhạc – là một trong những hoạt động có bước đột phá mạnh mẽ trong tiến trình xã hội hóa”, ông Nhân chia sẻ.

Các sân khấu xã hội hóa cũng đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có nội dung tốt, chất lượng cao, được công chúng đón nhận. Các loại hình xiếc, múa rối… cũng được đẩy mạnh phát triển. Xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh cũng được nhiều cá nhân chủ động, nhanh nhạy đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn có hơn 40 cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế với 228 phòng rạp.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, để đạt được kết quả xã hội hóa trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh, ngoài việc các doanh nghiệp chủ động và mạnh dạn đầu tư thì bên cạnh đó, chủ trương của UBND TPHCM là nâng cao cải cách hành chính, thái độ thực thi công vụ của công chức, cán bộ. Trong năm 2017, Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM đã tổ chức hai cuộc đối thoại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Qua đó, hướng dẫn, giải quyết, giải thích những vướng mắc, khó khăn và mời gọi các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa.

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, thực hiện Nghị quyết 08 của Trung ương ngày 1/12/2011,  Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 33 ngày 15/6/2013 nêu rõ: “Phát huy mạnh mẽ vai trò của các binh đoàn thể dục, thể thao trong điều hành các hoạt động thể dục thể thao đúng pháp luật, có sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước” và thực hiện hoạt động trong giai đoạn phát triển mới, ngành thể dục, thể thao TPHCM đã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, trong đó có đóng góp không hề nhỏ của việc xã hội hóa các hoạt động thể thao được coi là xu hướng chủ yếu để phát triển thể dục, thể thao trên địa bàn TPHCM phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế.

Hiện nay, TPHCM có 23 liên đoàn, hội thể thao, phong trào thể dục, thể thao TPHCM đã hội nhập được với xu thế chung của phong trào cả nước, khu vực và quốc tế. Đó là nhờ sự kết hợp của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và thể dục, thể thao trong quản lý, mục tiêu tổ chức hoạt động cũng như mời gọi đầu tư. Với nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao ngày càng cao của nhân dân Thành phố, các cơ sở thể dục thể thao ngoài cộng đồng ngày càng phát triển mạnh. Trên địa bàn TPHCM hiện nay có 1.900 cơ sở thể thao hoạt động độc lập, đó là chưa tính đến các cơ sở thể thao thuộc các khu đô thị, khu chung cư… Với 23 loại hình, bộ môn được hoạt động ổn định.

Với định hướng hoạt động thể thao dần chuyển sang chuyên nghiệp hóa, chủ trương của Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh đầu tư các cơ sở vật chất cũng như các câu lạc bộ mang tính chuyên nghiệp. Hiện nay, TPHCM có 2 câu lạc bộ bóng đá: Câu lạc bộ bóng đá TPHCM và Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn. Chủ trương đầu tư là kêu gọi xã hội hóa của Thành phố, riêng bóng đá nữ năm 2017 đã tiếp nhận tài trợ trong 5 năm 2017-2022 là 20 tỷ đồng. Đội bóng chuyền nam cũng tiếp nhận 30 tỷ đồng từ năm 2017-2021. Riêng Câu lạc bộ TPHCM các doanh nghiệp cũng đã tài trợ 60 tỷ đồng/năm để tổ chức thực hiện.

Về đầu tư cơ sở vật chất, để phục vụ cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao, chủ trương chung của TPHCM là Sở Văn hóa & Thể thao được mời gọi các nhà đầu tư để đầu tư các hạng mục trong công trình văn hóa, thể thao theo hình thức TPP. TPHCM đang tập trung đầu tư cho Nhà văn hóa thể thao Phú Thọ, Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Đây là 2 khu để TPHCM tập trung theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đó là hiện nay TPHCM đang chủ trương đăng cai SEA Games 2021 nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì đây sẽ là hạng mục được đầu tư mạnh, không dùng vốn ngân sách, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định thực hiện công tác xã hội hóa trên địa bàn TPHCM là một chủ trương đúng đắn trên cơ sở quán triệt Nghị định 59. Hiện nay, điều khó khăn nhất đối với TPHCM là để tập trung thu hút nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, Thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển ngành. TPHCM đã thực hiện xong quy hoạch ngành thể thao và quy hoạch phát triển ngành văn hóa, đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Đây là cơ sở để yêu cầu các nguồn lực xã hội cùng tham gia trong định hướng phát triển ngành văn hóa.

Nhật Nam

Top