Xây dựng đô thị sáng tạo: Sẽ có đủ nguồn lực nếu cơ chế hấp dẫn

08/04/2019 3:31 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu có đủ cơ chế hấp dẫn cho việc xây dựng đô thị sáng tạo, chắc chắn các dòng chảy nhân lực, vật lực sẽ không bỏ qua cơ hội. Mà trước hết sẽ là những nguồn lực thông thạo thị trường đến từ giới doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào. TPHCM muốn hợp tác cùng Singapore xây đô thị sáng tạo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất 3 giai đoạn cho đô thị

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Hội nghị Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ chuyên gia trí thức và doanh nhân kiều bào tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều tâm huyết về quy hoạch đô thị và phát triển công nghệ cho dự án xây dựng khu đô thị sáng tạo tại một trong những thành phố được xếp hạng là năng động nhất thế giới. Cũng từ đây, những lời giải đầu tiên cho thách thức về nguồn lực đầu tư đã được mở ra.

Quy hoạch “mới” phải liên kết với nền tảng “cũ”

Sau phát biểu ra “đầu bài” của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân rằng mục tiêu của một khu đô thị sáng tạo là thu hút những người giỏi nhất tới sinh sống, khởi nghiệp, nghiên cứu, sáng tạo, kinh doanh và trở thành một cấu phần đắc lực của thành phố thông minh, cũng như tạo ra cú hích thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh thành lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, nhiều trí thức Việt kiều làm công tác quy hoạch đô thị đã nhiệt thành “hiến kế”.

Theo đó, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nhiều dự định của TPHCM về đô thị sáng tạo mới đang là những dự án “rời”, rất cần được nhanh chóng kết nối với nhau. Trong đó, khu kinh tế tài chính Thủ Thiêm nên được “thiết kế” theo tư duy kinh tế thị trường. Nghĩa là mọi nghiên cứu không thể dừng lại ở ranh giới hành chính của riêng Thủ Thiêm mà phải đặt trong mối liên kết với các khu vực hiện hữu để hài hòa sự phát triển của cộng đồng. Còn khu đô thị đại học và công nghệ cao không chỉ được định hướng xoay quanh các trường đại học, mà còn nên đặt trong mối tương quan với đầu mối giao thông quan trọng là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). “Ở đây, TPHCM có thể tham khảo mô hình Silicon Valley của Mỹ”, vị kiến trúc sư nhấn mạnh.

Ngoài ra, đô thị sáng tạo cũng cần hướng tới sự hình thành khu đô thị logistics (quanh Cát Lái) có dân cư sinh sống. Tương tự, cũng không thể nghiên cứu tách rời Cát Lái mà phải tính tới cả mối quan hệ cung ứng hàng hóa với cảng Thị Vải - Cái Mép và mạng lưới giao thông của toàn bộ TPHCM. “Nếu xây dựng được các kết nối giao thông tốt để mọi người đi bộ từ khu trung tâm TP sang đô thị sáng tạo làm việc, học tập thì dân cư tự khắc sẽ bị hút về khu vực này sinh sống”, ông Sơn tin tưởng.

Nhà quy hoạch đô thị từng tham gia tư vấn kết nối đôi bờ sông Hoàng Phố và Phố Đông (Thượng Hải – Trung Quốc) kết luận 3 khu đô thị “con” trên sẽ tạo thành thế chân vạc với ba cộng đồng cư dân có bản sắc riêng cùng hạ tầng xã hội tương ứng với đặc thù. Do đó, dù có mức độ ứng dụng công nghệ thông minh khác nhau nhưng các thế mạnh riêng biệt này sẽ cộng hưởng thành hiệu quả lớn, trở thành nền tảng cho đô thị thông minh.

Làm chủ công nghệ “đỉnh”, nắm chắc công nghệ “nguồn”

Bên cạnh quy hoạch “vật lý”, nhiều trí thức Việt kiều cũng cho rằng một đô thị sáng tạo nhất thiết phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc về công nghệ, nhất là các công nghệ có tính đột phá, công nghệ “nguồn”.

Nhà cố vấn lâu năm của Đại học Quốc gia TPHCM - GS.TS Đặng Lương Mô - cho rằng một đô thị sáng tạo phải là nơi mà mọi hoạt động vận hành đều được tích hợp công nghệ số. Theo đó, hệ thống cảm biến sẽ được sử dụng rộng khắp. “Để điều khiến các hệ thống này đều cần có vi mạch, nghĩa là TPHCM cần quan tâm đầu tư hơn nữa tới Chương trình Phát triển Công nghiệp vi mạch với đề án quan trọng là Phát triển Công nghiệp MEMS (cảm biến). Đây là sự chuẩn bị hạ tầng cần thiết để xây dựng thành công smart city”, vị chuyên gia vốn là Việt kiều Nhật Bản kết luận.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Công ty HK Invent từ Khu Công nghiệp Hiệp Phước - TS Nguyễn Chánh Khê - cũng khẳng định Việt Nam nói chung và TPHCM hay đô thị sáng tạo nói riêng nhất định phải nghiên cứu và nắm giữ được những công nghệ “nguồn” có thể tạo ra các bước ngoặt nền tảng cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, công nghệ nguồn là tài nguyên nên phải lấy được bản quyền quốc tế để giữ tính cạnh tranh; công nghệ nguồn sẽ được ứng dụng sản xuất các dòng sản phẩm mới không chỉ phục vụ trong nước mà cho cả thế giới, thay cho các sản phẩm truyền thống.

Vị doanh nhân Việt kiều Mỹ đồng thời cũng là nhà khoa học tin rằng có thể tạo ra các công nghệ “nguồn” dựa trên thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam. Từ đó, thay vì chỉ có chức năng làm lương thực, nông sản có thể là đầu vào để sản xuất nhiều loại vật liệu công nghệ cao. Ví dụ, sử dụng tinh bột sắn chế tạo graphene - một loại keo tản nhiệt cho các thiết bị thông minh thế hệ 5G; hoặc công nghệ sản xuất hạt nanosilica từ vỏ trấu để chế tạo màng aerogel (vật liệu chống thấm, cách nhiệt, chống cháy, chống tia UV…).

Tuy nhiên, muốn làm được công nghệ nguồn thì ngay trong khu đô thị sáng tạo phải lập viện công nghệ nguồn. Cùng với đó là các “chân rết” như: Trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ nguồn; Trung tâm triển lãm công nghệ nguồn (như Mỹ, Nhật đang làm); Trung tâm triển khai ánh sáng và thiết kế đô thị. Viện công nghệ nguồn là nơi nghiên cứu, sản xuất vật liệu và công nghệ chiến lược, sản xuất năng lượng tái tạo từ pin nhiên liệu, làm vi mạch đặc thù cho tự động hóa và rô bốt, thực hiện các nghiên cứu để Việt Nam dần làm chủ những công nghệ liên quan tới quốc phòng… “Chúng ta đã bắt đầu có ‘của ăn của để’, cần dấn bước sang một giai đoạn mới mạo hiểm hơn”, TS Nguyễn Chánh Khê đề đạt.

Quang cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Hợp tác công tư: Chia sẻ phần “tiết kiệm”

Sau Quyết định 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 phê duyệt đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 (định hướng tới năm 2030), nhiều doanh nhân Việt kiều cho rằng vẫn chưa có thêm một hướng dẫn nào đủ rõ ràng về cơ chế tài chính để huy động vốn cho xây dựng smart city. Và đây chính là thách thức lớn trên con đường hiện thực hóa cấu phần đầu tiên là xây dựng một đô thị sáng tạo.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của nhà khoa học - doanh nhân - TS Nguyễn Thanh Mỹ (Việt kiều Canada), vẫn có thể tìm ra lời giải “thành phần” cho từng dự án nhỏ của đô thị sáng tạo. Lấy điển hình là dự án lắp đặt đồng hồ nước thông minh (giảm thất thoát nước, cảnh báo rò rỉ, giảm sự cố vỡ ống nước…) đang thí điểm ở Linh Trung (Thủ Đức) cùng với sự hợp tác của Công ty Cấp nước Thủ Đức (Sawaco), doanh nhân này nêu giải pháp thuyết phục người dân sử dụng đồng hồ mới có giá đắt hơn gấp 3 lần đồng hồ thông thường bằng cách cho “trả góp” trong nhiều năm. Cư dân cũng sẽ có thêm phần “tài trợ” để lắp đặt đồng hồ thông minh nếu tiêu dùng dịch vụ/sản phẩm của một thương hiệu nhất định trên không gian thương mại điện tử. Với sự phối hợp này, vị doanh nhân tin rằng “tiền bạc lẫn công nghệ đã không còn là vấn đề. Cái chính là một mô hình kinh doanh đủ hấp dẫn để Sawaco có thể kêu gọi đầu tư từ bên ngoài”.

Ủng hộ lời gợi ý hết sức cụ thể ấy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân “giao hẹn”: “nếu thiết bị mới chứng minh được tác dụng làm giảm lượng nước thất thoát 25% trở lên thì rất đáng làm. TPHCM có thể nghiên cứu mô hình hợp tác công tư để nhà đầu tư cùng chia sẻ nguồn tài chính tiết kiệm được với nhà nước”.

Nước chảy chỗ trũng. Nếu có đủ cơ chế hấp dẫn cho việc xây dựng đô thị sáng tạo, chắc chắn các dòng chảy nhân lực, vật lực sẽ không bỏ qua cơ hội. Mà trước hết sẽ là những nguồn lực thông thạo thị trường đến từ giới doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào.

Phương Hiền

Top