Xây dựng nền giáo dục tiên tiến: Rất cần sự góp sức của kiều bào

19/02/2017 8:11 AM

(Chinhphu.vn) - Áp lực tăng dân số cơ học và phát triển kinh tế khiến nhu cầu đầu tư cho giáo dục tại TPHCM ngày càng lớn, khó có thể chỉ dựa vào nguồn chi từ ngân sách.

Năm 2016, Đại học quốc gia TPHCM đứng ở vị trí thứ 147 trong bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới (QS) đánh giá chất lượng một trường đại học.

Cần sự đóng góp của kiều bào cả về nhân lực lẫn vật lực

Được xem là đô thị đặc biệt, TPHCM từ lâu đã là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục hàng đầu của cả nước. Tỷ lệ tăng dân số cơ học vì vậy cũng cao nhất cả nước, đến 2,5%/năm. Bên cạnh thuận lợi của một đầu tàu kinh tế, Thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức để có thể xây dựng nền giáo dục tiên tiến, từng bước gần hơn với chất lượng giáo dục quốc tế. Trong đó có những thách thức về nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất và giáo trình giảng dạy.

Đặc thù tăng dân số cơ học đã kéo theo áp lực lớn về trường lớp. Làm sao để giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp về tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế đã là 1 bài toán khó, lại càng khó hơn trong bối cảnh ngân sách chung phải dành cho nhiều mục tiêu trong khi nhu cầu ngân sách dành cho giáo dục của TPHCM cần tăng 1,2 – 1,3 lần/năm mới đảm bảo được sự phát triển nhà trường theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Cũng dễ hiểu vì sao trong buổi nhận tham vấn tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm 2016, người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM - ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo đã nhận định TPHCM cần có ngành công nghiệp giáo dục. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu đưa cả trăm nghìn du học sinh về đóng góp cho giáo dục nước nhà, ngành giáo dục cũng rất cần sự đóng góp của kiều bào nước ngoài trong việc hỗ trợ, nhập khẩu chương trình hoặc liên kết đào tạo, xây dựng mô hình đào tạo theo chuẩn quốc tế ngay tại TPHCM.

Theo đó, TPHCM rất cần kiều bào và các nhà đầu tư cùng góp vốn để thực hiện xã hội hóa giáo dục, có thể là mô hình hợp tác công-tư. Trong đó, kiều bào tham gia với vai trò như nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy – học hiện đại, hoặc có thể là chuyên gia, giáo viên, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, thậm chí có thể đề xuất cung cấp các chương trình, tài liệu dạy và học chất lượng.

Và không chỉ trực tiếp tham gia giảng dạy, ngành giáo dục TPHCM cũng rất cần kiều bào trong hỗ trợ công tác đào tạo giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, cả ở bậc phổ thông lẫn ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.

Phát triển nhân lực gắn với phát triển kinh tế TPHCM

Không thể phủ nhận một điều là đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế. TPHCM cũng vậy, nếu định hướng phát triển kinh tế tập trung cho các mũi nhọn đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao như: Tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, công nghệ cao, y tế, bất động sản… thì nguồn nhân lực cũng cần được phát triển theo xu thế ấy.

Ước tính trong khoảng 10 năm tới, riêng ngành công nghệ thông tin cho thị trường lao động khu vực TPHCM cần khoảng 200 nghìn lập trình viên và một lượng lớn lao động có trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung… Do đó, ngay từ bây giờ đã phải chủ động lên kế hoạch đào tạo trước lực lượng này.

Vậy làm sao để lên kế hoạch này cho sát với nhu cầu thực tế? Theo ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nhân lực bang Masachusettes (Việt kiều Mỹ), trước tiên công tác nghiên cứu, dự báo nguồn lao động cần được tăng cường hơn nữa. Phải có các hội thảo để tranh luận, phản biện nhằm tìm kiếm mô hình dự báo tốt nhất.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các trường Đại học và Cao đẳng phát triển, đất đai rộng rãi, thông thoáng, đẹp và an toàn cho môi trường học tập và nghiên cứu. Còn trung tâm TPHCM hiện nay quá chật chội để có một trường Đại học phù hợp và xứng tầm khu vực.

“Cần xây dựng hệ thống trường cấp 3 – trung học nghề, có thể làm thí điểm cho cả nước, sao cho học sinh sau khi tốt nghiệp có thể đi làm hoặc học tiếp cao đẳng, đại học; chỉnh đốn lại hệ thống trường nghề các cấp; tập trung đào tạo ngoại ngữ tại các trường nghề; tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho người học”, ông Trần Đức Cảnh tâm huyết bày tỏ.

Đào tạo học nghề theo mô hình Thụy Sỹ

Thống kê năm 2015 cho thấy nếu tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 5,8% thì tỷ lệ thất nghiệp tính riêng cho giới trẻ là 13,1%. Tại Pháp, gần 1/4 người trẻ không có công ăn việc làm. Tỷ lệ này ở Tây Ban Nha là 39%, Ý là 37% và Hy Lạp là 51,9%. Còn tại Việt Nam, dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến cuối năm 2015 cũng cho thấy có đến 225 nghìn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Đó là chưa kể lượng thanh niên không tốt nghiệp bất cứ ĐH, Cao đẳng hay trường nghề nào và hiện không có việc làm.

Riêng tại Thụy Sĩ, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ là 3,7%, không quá cao so với tỷ lệ thất nghiệp chung của nền kinh tế này là 3,2%. Mỗi năm có khoảng 2/3 học sinh Thụy Sĩ chọn lộ trình học nghề để bắt đầu bước đệm vào đời. Và sau khi tốt nghiệp trường nghề, học viên có rất nhiều lựa chọn để theo đuổi các ngành học nâng cao nghề nghiệp chuyên môn, hoặc học thêm xa hơn để có bằng cử nhân, thạc sỹ …

Điểm khác biệt với Việt Nam là lộ trình đào tạo nghề của Thụy Sỹ do Bộ Công thương điều hành, với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục. Còn chương trình học tập được xây dựng với sự đóng góp của Các Hiệp hội doanh nghiệp.

Chính vì vậy, đào tạo học nghề theo mô hình Thụy Sỹ đã trở thành kiến giải đáng chú ý trong đợt tham vấn ý kiến đóng góp của Việt kiều cho TPHCM mới đây. Theo ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tài chính, ngân hàng đến từ Thụy Sỹ đã đề xuất chính phủ nghiên cứu triển khai hệ thống đào tạo tương tự cho Việt Nam. Trong đó tập trung vào 3 yếu tố tạo nên thành công của mô hình đào tạo này.

Ông Kim kiến nghị TPHCM phải làm tốt hơn nữa mối liên kết trong đào tạo, sao cho người học từ các hệ đào tạo khác nhau đều có cơ hội đi tiếp lên cao học chuyên ngành, tức liên thông các hệ thống đào tạo mở với hệ thống đào tạo chính quy. Hài hòa giữa lý thuyết và thực tập, trong đó học viên được ăn lương như công nhân viên bình thường. Hợp tác chặt chẽ với giới doanh nghiệp về Chương trình học cũng như nơi thực tập. Đáng chú ý, vị chuyên gia Việt kiều này còn cho rằng hệ thống đào tạo nghề cần tham khảo kinh nghiệm từ những mô hình tiên tiến trên thế giới, điển hình như mô hình của Thụy Sỹ. Nghĩa là chức năng quản lý đào tạo nghề nên được đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cần Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục ĐH có trí thức Việt kiều tham gia

Nếu căn cứ vào bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới QS để đánh giá chất lượng một trường đại học thì năm 2016, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong danh sách 350 trường hàng đầu Châu Á. Trong đó, TPHCM chỉ có duy nhất một trường là Đại học quốc gia (đứng ở vị trí thứ 147).

Đi vào từng nội dung chấm điểm chi tiết, ĐH Quốc gia TPHCM được 70% điểm uy tín trong giới chuyên môn, 36% điểm uy tín trong giới doanh nghiệp. Và điều đáng nói là nhiều điểm liên quan đến các tiêu chí khác đều không có (tỷ lệ số giáo viên/số sinh viên, số bài báo khoa học, tính quốc tế hóa, số lượng giáo viên có bằng tiến sĩ …). Vì vậy điểm tổng cộng chỉ đạt 38%.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia Singapore gần như đạt điểm tuyệt đối (100%) trên tất cả các tiêu chí, dẫn đầu bảng xếp hạng các Trường đại học ở Châu Á, ĐH Malaya (Malaysia) xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng này. Từ đây, có thể thấy rõ những yếu điểm của các trường Đại học tại TPHCM.

Trước mắt, theo tiến sĩ Tăng Anh Minh, Chủ tịch Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, để bù đắp những lỗ hổng của giáo dục đại học, nhà trường cần khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu khoa học với các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế và thời gian thuận lợi hơn; nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên; đưa Tiếng Anh vào giảng dạy ở một số môn; tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên với nước ngoài.

Tiến sĩ Tăng Anh Minh cũng tin rằng TPHCM rất cần có Ban tư vấn về giáo dục đại học. Trong đó bên cạnh sự tham gia của đại diện chính quyền Thành phố và những người làm công tác giáo dục đại học, thành phần Ban tư vấn cần có thêm chuyên gia người Việt ở nước ngoài là những người có kinh nghiệm làm việc tại các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới, chuyên gia về giáo dục tại Việt Nam, và một lực lượng quan trọng khác là đại diện của giới doanh nghiệp – những người rõ hơn ai hết nhu cầu của thị trường về nhân lực.

Phương Hiền

Top