Xây dựng TP. Thủ Đức để tạo bước đột phá, làm hạt nhân tăng trưởng

26/10/2020 10:23 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phiên họp Quốc hội chiều 26/10. Ảnh: VGP/ Lê Sơn
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Theo đó, do yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TPHCM  (từ năm 2009 đến năm 2016) đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: Thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở; hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua các vị Đại biểu Quốc hội, HĐND Thành phố, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM.

Mục tiêu là tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TPHCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 

Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM từ ngày 01/7/2021 (bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026), Nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 và các công việc khác. Vì vậy, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho áp dụng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 để Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận thấy, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của Thành phố. Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để Thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới. Các ý kiến cũng cho rằng, trong trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM  như Chính phủ trình thì sau 03 năm triển khai (đến năm 2023), Chính phủ vẫn cần sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết để trên cơ sở đó, cùng với việc sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, tiếp tục đề xuất hoàn thiện các mô hình chính quyền đô thị nếu cần thiết và nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị để áp dụng chung, bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực của văn bản cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TPHCM, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hiện nay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc TPHCM với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua chủ trương này. Vì vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TPHCM là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để khi TPHCM được cấp có thẩm quyền thành lập thành phố trực thuộc có cơ sở xem xét, áp dụng. Tuy nhiên, phần liên quan đến tổ chức chính quyền tại thành phố thuộc TPHCM trong dự thảo Nghị quyết vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế, thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc để có thể đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu nói trên. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.

Lê Sơn

Top