“Bến cóc” vẫn trụ trong nội thành

10/04/2018 11:23 AM

Từ nhiều năm nay, UBND TPHCM đã liên tục chỉ đạo kiên quyết dẹp “xe dù”, “bến cóc” trong nội thành TPHCM. Sau những đợt ra quân quyết liệt, các hãng xe tạm lánh một thời gian, nay lại hoạt động nhộn nhịp trở lại trong nội thành, gây bất ổn về giao thông.

Xe khách đậu hàng dài trên đường Mai Chí Thọ (quận 2). Ảnh: VGP

Bát nháo khu trung tâm

Con đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) là nơi tập trung nhiều “bến cóc” hoạt động rầm rộ giữa trung tâm TP. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nhưng các hãng xe vẫn cố bám trụ. Hãng Hoa Mai có văn phòng tại địa chỉ 83 và 85 Nguyễn Thái Bình. Cách đó không xa, hãng Toàn Thắng cũng có văn phòng tại địa chỉ 11, 21 và 23 Nguyễn Thái Bình. Mỗi ngày, 2 hãng này đón và trả hàng ngàn lượt khách.

Tuy không hoạt động rầm rộ kiểu các xe nối đuôi nhau đậu thành hàng 2 hàng 3 trước cửa văn phòng để đưa rước khách như trước đây, nhưng hiện hàng chục xe của 2 hãng này vẫn đậu rải rác ở khắp các tuyến đường xung quanh, như Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Ký Con, Yersin, Nguyễn Công Trứ. Bất kể giờ nào, những tuyến đường này cũng có hàng chục xe 16 chỗ hạng thường và cao cấp (Limousine) 10 chỗ, tấp vào lề đường để chờ điều hành viên điều tới văn phòng đón khách, đông nhất là các ngày cuối tuần.

Dù ngành giao thông đã cắm bảng cấm xe 9 chỗ trên tuyến đường Nguyễn Thái Bình để ngăn chặn triệt để các hãng xe chạy vào rước khách, nhưng không có tác dụng. Các tài xế luôn ngồi trên xe đã nổ máy sẵn, khi thấy cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) thì lập tức tăng ga bỏ chạy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Tương tự, đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) có biển cấm dừng xe, chỉ cho xe dưới 26 chỗ, hoặc xe du lịch lữ hành dừng không quá 5 phút, thế nhưng vẫn còn tình trạng xe hợp đồng hơn 40 chỗ vào rước khách. Hay trên đường Lê Hồng Phong, các doanh nghiệp Phương Trang, Thành Bưởi cho xe chạy thẳng vào nhà để chở khách.

Riêng hãng xe Thành Bưởi, dù được phản ánh rất nhiều lần nhưng vẫn đón và trả khách ở rất nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Trần Phú, An Dương Vương (quận 5), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Và còn rất nhiều hãng xe khác cũng đón khách dọc đường, đậu bát nháo trong khu dân cư như Nguyễn Cư Trinh (quận 1), An Điềm, An Dương Vương (quận 5), Tân Thành (quận Tân Phú), Ba Tháng Hai (quận 10).

Đối phó tinh vi 

Một trong những biện pháp để giải quyết dứt điểm “bến cóc” ở trung tâm TP là cho mở điểm đón và trả khách ở khu vực vùng ven, để các hãng xe hoạt động thuận lợi. Ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý GTVT đường bộ (Sở GTVT TPHCM), cho biết: “Sau khi Sở GTVT TPHCM dẹp các bến tự phát trong tung tâm TP ở khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 5), Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), các hãng xe lại “nhảy cóc” đi các tuyến đường khác, làm tình hình giao thông ở khu trung tâm vẫn bị ảnh hưởng.

Qua khảo sát, Sở GTVT nhận thấy, hành khách từ các quận 1, 2, 4… có nhu cầu đi các tỉnh như Phan Thiết, Vũng Tàu theo lộ trình đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải ngược lên bến xe miền Tây đón xe, như vậy vừa mất thời gian, tiền bạc của dân, vừa tăng lượng xe lưu thông về khu vực phía Tây TP, nên các hãng xe cố bám trụ trong trung tâm để hút khách. Do vậy, khi được UBND TPHCM chấp thuận, ngày 21/3/2017, Sở GTVT đã đưa vào khai thác điểm đón và trả khách trên tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2) nhằm phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định có điểm đầu và điểm cuối tại bến xe miền Tây”. 

Đến nay, điểm đón và trả khách này đã hoạt động tròn 1 năm và vô cùng rầm rộ, tuy vậy “bến cóc” trong trung tâm TP vẫn sôi động không kém.

Theo phía TTGT, lý do khó xử lý các xe vào TP đón khách bởi các văn bản quy định về kinh doanh vận tải còn có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn, có thể lợi dụng để lách luật. Các hãng kinh doanh vận tải tuyến cố định thì phải bán vé trong bến xe, nhưng lách luật bằng cách kinh doanh trá hình theo loại hình vận tải hợp đồng, du lịch, du lịch lữ hành.

Với kiểu kinh doanh hợp đồng, xe được đón và trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng (địa điểm, văn phòng…) và khi vận chuyển hành khách thì lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách. Nghĩa là những xe này kinh doanh kiểu vừa chạy tuyến cố định, vừa chạy kiểu hợp đồng. Vì vậy, khi kiểm tra các phương tiện hoạt động theo loại hình này thì hầu hết đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ nêu trên, nên việc xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Các tài xế cũng thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái và khi thấy lực lượng chức năng thì tăng ga bỏ chạy, trong khi TTGT không có chức năng “rượt đuổi” phương tiện. Hoặc các hãng đưa xe vào trong nhà, trong khu vực khuôn viên riêng để đón và trả khách mà lực lượng chức năng không có thẩm quyền kiểm tra. Đối với các khu vực, tuyến đường nóng thì TTGT có thể chốt chặn, nhưng không đủ lực lượng để chốt chặn hết tất cả các tuyến đường.

Ngoài công tác tuyên truyền, phối hợp tuần tra với CSGT, hiện TTGT đang phối hợp với các phòng ban chuyên môn của Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất hành lang hạn chế lưu thông đối với xe trên 30 chỗ ngồi vào khu vực nội thành (trừ xe vận chuyển khách du lịch, du lịch lữ hành); khảo sát, công bố các điểm dừng đón và trả khách trên hành trình tuyến cố định để tránh tình trạng phương tiện dừng đón và trả khách không đúng quy định như hiện nay. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu phương án xử lý phạt nguội qua camera gắn ở các tuyến đường.

Tại Thông báo 58/TB-VP ngày 25/1/2017 và Văn bản 7041/VB-ĐT ngày 31/5/2017 của UBND TPHCM, đều chỉ rõ công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm “xe dù”, “bến cóc”, đảm bảo an ninh trật tự đô thị trên địa bàn thuộc trách nhiệm trực tiếp của UBND các quận, huyện. Vì vậy, để lập lại trật tự, an toàn giao thông cũng như đưa hoạt động vận tải hành khách đi vào nền nếp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các sở, ban, ngành để thực hiện quyết liệt và thường xuyên.

Theo SGGP

Top