Bí thư Thành ủy: Người dân phải được tiếp cận nhiều hơn thông tin tích cực

15/07/2021 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Đây là yêu cầu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM chiều ngày 14/7.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo cơ quan báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì buổi gặp.

Trao đổi về tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng chống dịch, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết dịch bệnh tại TPHCM hiện diễn biến phức tạp. Từ ngày 27/4 đến 6h ngày 14/7, Thành phố có 17.239 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, có 130 trường hợp tử vong, 168 ca xuất viện.

Thành phố có 14 khu cách ly F1 với quy mô 7.000 người; các quận, huyện và TP. Thủ Đức có 88 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.000 người; 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa 4.000 người.

Có 24 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng quy mô 44.890 giường (trong đó 19 bệnh viện đang hoạt động, 5 bệnh viện đang thiết lập), đang điều trị cho 16.757 người. Đưa vào sử dụng một bệnh viện hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 tại TP. Thủ Đức với quy mô 1.000 giường hồi sức.

Qua 4 đợt tiêm vaccine, tổng số lượt người dân được tiêm là 991.872 người, trong đó có 943.215 mũi 1 và 48.657 mũi 2. Dự kiến đợt tiêm thứ 5 diễn ra vào ngày 18/7 tới đây với 630 điểm tiêm trên toàn Thành phố.

Với gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng theo Nghị quyết số 09 của HĐND Thành phố, đến nay các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã giải ngân hỗ trợ được trên 134,9 tỷ đồng. Đối với người lao động ngừng việc, hoãn việc, nghỉ không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp…, Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị chức năng lập danh sách.

Đặt yêu cầu đảm bảo sức khỏe của nhân dân là trên hết, Thành phố vẫn cho phép các doanh nghiệp đảm bảo “3 tại chỗ”, sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ những băn khoăn, hiến kế nhiều vấn đề nhằm góp phần cùng lãnh đạo TPHCM làm tốt hơn công tác truyền thông hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19.

Liên quan vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là điều trị F0, F1 tại nhà, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường cho biết, thực chất đây là quá trình “rút ngắn thời gian điều trị F0” chứ không phải cách ly F0 tại nhà. Bộ Y tế vẫn khuyến cáo, yêu cầu tất cả các F0 phải được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, ngày thứ 10 trở đi, khi thỏa mãn một số điều kiện như nếu có chỉ số virus thấp… thì có thể thực hiện cách ly tại nhà.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự chung tay đóng góp của các lực lượng tham gia góp phần vào công tác phòng, chống dịch thời gian qua, trong đó có vai trò quan trọng của công tác truyền thông.

Theo Bí thư Thành ủy, TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, yêu cầu đặt ra và cần làm tốt là đảm bảo giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, là tổ chức truy vết, xét nghiệm, tầm soát đánh giá để ngăn dịch bệnh không lây ra cộng đồng; hạn chế tối đa ca tử vong.

Quá trình triển khai, theo Bí thư Thành ủy, có thể xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, liên quan đến việc ăn ở, sinh hoạt, đi lại của người dân. Đối với lực lượng y tế, có nơi quá sức, có nơi thiếu thốn trang thiết bị, có nơi bổ sung chưa kịp. Do đó, cần quan tâm hơn đến đời sống đội ngũ y tế.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nỗ lực, dịch bệnh càng kéo dài càng cần hơn nữa sự quan tâm đến người dân, nhất là những người lao động khó khăn. Tiền hỗ trợ hiện cũng mới đảm bảo sống trong ngày, trong khi dịch bệnh thì người dân nghèo vẫn còn những chi phí khác như tiền thuê nhà, điện, nước… và Thành phố phải tính đến để hỗ trợ người dân khó khăn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, trong tuyên tuyền về dịch bệnh, việc làm cho người dân hiểu và đồng lòng thời gian qua vẫn còn hạn chế. Do vậy, các ngành chức năng liên quan cần tổ chức lại những khâu cung cấp thông tin, làm sao để thông tin thành một mặt trận trong công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Báo chí Thành phố cần làm tốt hơn nữa vai trò đầu mối báo chí, tổ chức thông tin, tăng liều lượng các cuộc họp báo, thời điểm tổ chức họp báo phù hợp...

Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Đưa những thông tin tích cực, những gương điển hình, hình ảnh tích cực, việc làm tốt trong phòng, chống dịch của người dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Mục tiêu để người dân được tiếp cần nhiều hơn những thông tin tích cực, qua đó giảm bớt thông tin sai lệch và cần phải xử lý ngay những người đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là thời gian thực sự khó khăn với Thành phố, tuy nhiên, qua 6 ngày triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư tin tưởng sau 9 ngày còn lại, tình hình sẽ được kiểm soát, Thành phố sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh COVID-19.

Ngọc Tấn

Top