Cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

26/12/2020 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Đây là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, phân khúc nào phù hợp” diễn ra mới đây tại TPHCM .

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, thị trường nhà ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, tại các khu đô thị xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu.

Tại các thành phố lớn như TPHCM, phân khúc nhà ở giá rẻ dưới 25 triệu/m2 đã biến mất, còn với TP. Hà Nội, tỉ trọng phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%). Vì vậy đại bộ phận người dân, là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở.

Theo thống kê, 9 tháng năm 2020, ở TPHCM có hơn 16.000 sản phẩm BĐS được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ trung bình đạt 75%. Về giá, quý III/2020, giá căn hộ tăng mạnh từ 15-20% so với quý 2/2020. Ở phân khúc trung cấp, quý III/2020 giá bán căn hộ tăng 1,43 lần, thậm chí một số dự án giá bán tăng gấp 2 lần so với quý IV/2018.

Như vậy, trong thời gian ngắn, mặt bằng giá mới tại TPHCM được thiết lập. Giá tại dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án trung cấp biến thành cao cấp... Đáng nói, sự thay đổi vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng dự án cho phù hợp. Theo các chuyên gia, điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của BĐS.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu m2) chiếm từ 70-80% thị trường, còn phân khúc trung, cao cấp nhu cầu chỉ hơn 20%. Tuy nhiên, thực tế đang có sự mất cân đối trong cung cầu BĐS.

Cụ thể, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa (khoảng 70-100 triệu m2 sàn) nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp trong khi hiện đang có 206 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng gần 169.000 căn hộ đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Lý giải về việc thiếu hụt căn hộ giá thấp, bình dân, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, phân khúc này mất đi động lực phát triển khi hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ Nhà nước.

Hơn nữa, do thời gian qua, tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, việc phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2019-2020 chỉ bằng khoảng 10% so với các năm trước đó, do vướng các luật chồng chéo, nên các thành phố cẩn trọng hơn trong việc phê duyệt. Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu nhà ở vẫn tăng cao dẫn đến giá cũng tăng theo.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/020 sửa đôi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, cũng như Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2021 được kỳ vọng, gỡ nhiều vướng mắc về đầu tư, giúp các dự án BĐS tại các địa phương được triển khai nhanh chóng, do đó sẽ tăng được nguồn cung ra thị trường, khi đó nguồn cung căn hộ sẽ đa dạng hơn.

Theo các chuyên gia, để phát triển nhà ở thương mại giá thấp (dưới 20 triệu/ m2), các địa phương như TPHCM và TP. Hà Nội, nơi có giá đất cao hơn nhiều so với các địa phương khác thì cần có cơ chế ưu đãi về giá đất.

Bên cạnh đó, khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời cho phép các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư khu đô thị tại các địa phương chưa sử dụng hết quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội được chuyển để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo chương trình nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50,7 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2/người (với quy mô dự kiến là 10,1 triệu dân). Giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích xây dựng mới đạt 57,7 triệu m2.

Đối với nhà ở xã hội, Thành phố chủ trương đa dạng hóa phương thức đầu tư. Cùng với đó tiến hành rà soát việc sử dụng quỹ đất 20% ở các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha, để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho Thành phố.

Thành phố cũng khuyến khích chủ đầu tư áp dụng các loại công nghệ xây dựng tiên tiến và sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Thực hiện đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong đầu tư, quy hoạch, xây dựng phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Lê Anh

Top