Cần nâng cao nhận thức về quyền người tiêu dùng

18/03/2016 9:02 PM

(Chinhphu.vn) - Nằm trong chuỗi sự kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 18/3 tại TPHCM, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Quyền được an toàn của người tiêu dùng – Thực trạng và giải pháp”.

Ảnh: VGP/Lê Anh

Hội thảo nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy cùng hành động, thực thi tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD).

Ông Phạm Thế Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng vi phạm QLNTD xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, trên phạm vi cả nước. Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, hàng kém chất lượng (hàng giả, hàng nhái, thiếu an toàn) vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp.

Đến nay, số lượng các tỉnh, thành phố hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng 15/3 tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2011 chỉ mới có 22 tỉnh thành hưởng ứng, thì tới năm 2015 đã có 60 tỉnh thành trên cả nước hưởng ứng tích cực. Nhờ vậy, việc phát triển các hệ thống tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh.

Việc khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tăng lên. Năm 2011 có 93 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng thì tới năm 2015 đã tăng lên hơn 500 vụ. Các vụ khiếu kiện của người tiêu dùng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM…

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, mỗi năm Hội tiếp nhận từ 300-400 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ gia dụng, bán hàng đa cấp, tín dụng… Trong đó, số vụ hòa giải thành công chiếm tỷ lệ 70-80%.

Theo các đại biểu, bên cạnh việc tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng còn hạn chế, một trong những nguyên nhân làm cho số vụ việc vi phạm QLNTD có xu hướng ngày càng tăng là do các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ QLNTD chưa hoàn thiện...

Để hạn chế việc vi phạm QLNTD theo các đại biểu, cần phải có sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

Cụ thể, về quản lý Nhà nước, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, chính sách liên quan đến quyền được an toàn của người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quyền được an toàn của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần bổ sung chế tài xử phạt mạnh hơn, đủ sức răn đe đối với hành vi gây ất an toàn cho người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm.

Về phía doanh nghiệp, cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của  bảo vệ QLNTD với sự phát triển của DN và nền kinh tế. Xây dựng văn hóa trách nhiệm của DN đối với NTD và xã hội, bố trí nhân viên chuyên trách giải quyết yêu cầu, khiếu nại của NTD.

Đối với NTD, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ QLNTD TPHCM cho rằng, hãy là những người tiêu dùng thông thái, cẩn trọng với sản phẩm, dịch vụ mà chúng ta sắp giao dịch, phải tìm hiểu kỹ các sản phẩm, dịch vụ qua nhãn mác, thông tin sản phẩm, địa chỉ nguồn gốc xuất xứ, mua hàng của các nhà sản xuất có uy tín…

Đặc biệt nói không với các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời tố giác ngay với các cơ quan chức năng, báo chí khi phát hiện các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Lê Anh

Top