Cần tăng cường năng lực cho bệnh viện tuyến quận, huyện

23/07/2021 9:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn TPHCM theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiều 23/7, do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND Thành phố. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Tại hội nghị, đại diện quận Bình Tân chia sẻ, thời gian đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 có khó khăn. Quận Bình Tân có số dân nhập cư đông, nhiều khu nhà trọ công nhân có mật độ dân cư đông nên việc giám sát giãn cách rất khó. Do vậy, quận Bình Tân đề nghị xem xét đưa công nhân ở các khu nhà trọ vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Một vấn đề khác mà nhiều quận cùng kiến nghị là việc tiếp nhận các trường F0 có triệu chứng có hiện tượng chậm. Những ngày vừa qua khi số ca nhiễm gia tăng, việc liên hệ chuyển viện cho người bệnh gặp khó khăn.

Ví dụ Quận 8 đã liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 và một số bệnh viện dã chiến nhưng các nơi đều quá tải nên không thể xử lý nhanh trong khi F0 có diễn biến trở nặng. Quận 8 đã phải điều chuyển nhiều F0 có triệu chứng qua bệnh viện Quận 8 mặc dù cơ sở y tế này chưa được điều động điều trị COVID-19.

Đây cũng là tình trạng xảy ra với Bình Tân, Bình Chánh. Do vậy các quận, huyện này đề nghị tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, thậm chí điều động mỗi trạm y tế phải có ít nhất một bác sĩ để xử lý tình huống trên địa bàn.

Trong khi đó, nhận định là những thuận lợi cũng như khó khăn trong 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trước diễn biến tình hình dịch bệnh, Thành phố đã quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện cách ly xã hội toàn địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 15 ngày triển khai thực hiện, TPHCM đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.

Về phía các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng có sự chuẩn bị và nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của TPHCM về kế hoạch xét nghiệm tầm soát; triển khai tiêm vắc xin; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân thực hiện chủ trương của TPHCM dưới nhiều hình thức. Trong đó có một số đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: huyện Hóc Môn, TP.Thủ Đức, Q.11, Q.8…

Việc thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TPHCM cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.

Ông Dương Anh Đức cho biết TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn đã có sự ổn định, hàng hóa luôn được đảm bảo đầy đủ trên các quầy kệ tại các hệ thống phân phối với giá bán ổn định, được niêm yết công khai cùng với nhiều kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa đã giúp cho người dân yên tâm, không còn tập trung đi mua sắm.

Tuy nhiên, theo ông Dương Anh Đức, mặc dù TPHCM đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Cụ thể, về công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TPHCM tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.

Việc thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly theo hai phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hằng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Đức cho rằng việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn; nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.

Sau khi nghe Thành phố và các quận, huyện, TP. Thủ Đức báo cáo những mặt đã làm được và những khó khăn còn tồn tại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ủng hộ Chỉ thị 12 của TPHCM, vì mục tiêu cao nhất là kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó việc test nhanh, bóc tách F0 phải tập trung vào những khu vực trọng tâm, trọng điểm, nguy cơ cao. Việc này chính là khoanh hẹp vùng đỏ trên bản đồ COVID-19. Với tình hình như hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu dàn trải toàn xã hội thì không đủ năng lực đáp ứng.

Phó Thủ tướng nhất trí cần phải tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, gồm cả tăng cường trang thiết bị và nhân lực cho bệnh viện tuyến quận, huyện để chia lửa cho các bệnh viện điều trị. Việc này càng cần thiết khi TPHCM đang triển khai cách ly, điều trị tại nhà với một số đối tượng F0 và F1.

Cùng với các giải pháp tăng cường Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp cơ bản, lâu dài vẫn là vaccine. Do vậy, phải tập trung nguồn lực cho vaccine. Chính phủ đã có chủ trương không chờ Bộ Y tế mà Thành phố có thể chủ động tìm nguồn vaccine, tăng tỉ lệ tiêm chủng để sớm đạt mức độ miễn dịch cộng đồng. Phó Thủ tướng cũng gợi ý Thành phố thu hút các nguồn lực để trang bị trang thiết bị y tế, máy thở, máy tạo oxy cho các bệnh viện điều trị COVID-19.

Băng Tâm

Top