Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền ảo

08/03/2022 9:37 AM

(Chinhphu.vn) - Thủ đoạn của loại tội phạm này là lên mạng tìm kiếm và làm quen với bị hại, sau đó kêu gọi đầu tư, đưa ra mức lãi suất cao, hướng dẫn tạo tài khoản để bị hại tham gia mua bán hàng hóa và tiền ảo trên các app, đường link mà đối tượng gửi để nhận tiền lời.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền ảo - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM thông tin tại cuộc họp báo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 7/3, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, trong thời gian qua, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua tiền ảo trên mạng xã hội nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua bán. Khi người mua tải các app về điện thoại, sau đó làm theo hướng dẫn của các đối tượng trên thì tài khoản bị hack và mất hết tiền trong app trên tài khoản.

Từ năm 2021 đến nay, Công an Thành phố đã phát hiện 33 vụ việc có quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội, trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã khởi tố 2 vụ án 3 bị can quan liên quan đến việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad… Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Theo ông Nguyễn Sỹ Quang, thủ đoạn của loại tội phạm này là lên mạng tìm kiếm và làm quen với bị hại, sau đó kêu gọi đầu tư, đưa ra mức lãi suất cao, hướng dẫn tạo tài khoản để người bị hại tham gia mua bán hàng hóa và tiền ảo trên các app, đường link mà đối tượng gửi để nhận tiền lời. Lúc đầu, người bị hại tham gia đầu tư với số tiền nhỏ thì đối tượng cho rút tiền lợi nhuận, sau một thời gian các bị hại đầu tư số tiền lớn để nhằm thu lợi nhuận cao, sau khi số tiền nạp vào đủ lớn, các đối tượng đứng sau sẽ đóng băng tài khoản, đánh sập sàn và chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng, sau đó hướng dẫn cho người bị hại lập tài khoản trên app rồi đưa nhiệm vụ để thực hiện, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản nhưng khi người bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt tài sản của các cộng tác viên này.

Nhìn chung, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống với các thủ đoạn lừa đảo khác, đó là đánh vào lòng tham của bị hại như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ bị hại tham gia. Tuy nhiên, dạng thủ đoạn này nguy hiểm hơn và dễ dụ dỗ người bị hại hơn vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản.

"Bởi vây, người dân cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ ban đầu đối với loại tội phạm này", Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết.

Trong thời gian tới, Công an Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền ảo và hàng hóa qua các app trên mạng xã hội. Người dân khi gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, công an quận, huyện nơi người dân sinh sống để điều tra làm rõ.

Tại họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng cho biết thêm, hầu hết các vụ án liên quan đến trục lợi trong phòng, chống dịch COVID-19 đã được Công an Thành phố điều tra xong và chuyển qua Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án để xử lý. Còn một số vụ đang trong quá trình điều tra và mở rộng, ví dụ như vụ việc tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền ảo - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp báo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

 Nhiều nguyên nhân khiến việc cấp CCCD chậm trễ

Trước thắc mắc của các phóng viên về việc cấp căn cước công dân (CCCD) bị chậm trễ, ông Nguyễn Sỹ Quang cho hay, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố và cả nước diễn biến hết sức phức tạp, Công an Thành phố đã chỉ đạo nhiều cán bộ, chiến sỹ phối hợp, tham gia thực hiện phòng chống dịch (truy vết F0, chốt chặn, thực hiện gói an sinh xã hội...). Việc liên lạc với người dân để đối chiếu thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân khẩu tạm trú (do có rất nhiều người dân đã về quê tránh dịch). Đồng thời, số lượng cán bộ, chiến sỹ bị nhiễm COVID-19 trong lực lượng Công an Thành phố nói chung, lực lượng Cảnh sát QLHC nói riêng ngày càng tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tình hình dân cư biến động liên tục, phức tạp, lịch sử quản lý giấy tờ thủ tục còn nhiều bất cập dẫn đến các giấy tờ tùy thân của công dân mâu thuẫn, sai lệch với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên cần điều chỉnh khi làm CCCD. Một số trường hợp khi đi làm còn khai sai thông tin hoặc cán bộ nhập nhầm. Diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên toàn cầu thời gian vừa qua đã làm cho thị trường "chip" bị khan hiếm, việc vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn ra khắp nơi trong đó có cả xung quanh khu vực nhà máy sản xuất cũng gây khó khăn cho việc ra vào nhà máy của các kỹ sư, chuyên gia và cán bộ, nhân viên tham gia sản xuất mặc dù đã có kế hoạch dự phòng và dự báo trước.

Công an Thành phố cũng đã thông báo cho người dân chưa nhận được Căn cước công dân nếu muốn tra cứu thông tin hãy truy cập website dancuquocgia.mps.gov.vn. Đồng thời, tại cấp Thành phố, người dân có thể liên hệ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; ở cấp huyện, người dân có thể liên hệ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Tại mỗi đơn vị, công an các cấp đều công khai số điện thoại và thông tin trên các trang mạng xã hội để hỗ trợ người dân cũng như người dân có thể phản ánh các bất cập khi đi làm CCCD. Công an Thành phố sẽ chỉ đạo công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức, công an phường, xã, thị trấn tiếp tục tập trung rà soát làm sạch dữ liệu dân cư nhằm hạn chế thấp nhất sự sai lệch thông tin của người dân khi làm CCCD.

Anh Thơ

Top