Cơ hội cho các DN CNHT TPHCM hợp tác với DN Nhật Bản

08/12/2022 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - Việc hợp tác với các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các DN Việt Nam nâng cao được giá trị, có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội cho các DN CNHT TPHCM hợp tác với DN Nhật Bản - Ảnh 1.

Việc hợp tác với các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các DN Việt Nam nâng cao được giá trị, có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung Tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, hiện nay, các DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của Thành phố muốn phát triển thì phải nâng cao giá trị gia tăng trong giai đoạn mới để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không đơn giản là àm những chi tiết linh kiện đơn giản nữa.

Để làm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm CNHT, bên cạnh nổ lực của các DN trong viêc quản trị và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, thì việc hợp tác, liên kết với các " mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Các " mắt xích này chính là các DN đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, các DN này luôn luôn có vị trí tốt trong các chuỗi cung ứng vì họ có nhiều kinh nghiệm cũng như năng lực tốt.

Mới đây, tại hội nghị bàn tròn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 21, thông tin tới các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, một trong những lĩnh vực TPHCM đang ưu tiên thu hút đầu tư đó là các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot,...); công nghiệp điện tử, công nghiệp an toàn, an ninh mạng; công nghiệp Internet Vạn vật (IoT) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Theo ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TPHCM (JETRO), kinh tế Việt Nam có sự phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch, hiện nhiều công ty Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Các công ty Nhật Bản mong muốn tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ cũng rất quan tâm đến lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như ô tô, thiết bị điện, và những ngành tương tự.

Cũng theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) đến tháng 9 năm nay khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản đã phục hồi 100% hoạt động của nhà máy, nếu tính luôn cả các nhà máy có mức phục hồi hơn 90% thì con số này chiếm 80% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

63% doanh nghiệp cho biết trong 1-2 năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Matsumoto Nobuyuki cũng cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hiện đang thúc đẩy các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ đã bắt đầu những chương trình hỗ trợ các hoạt động này. Cho đến hiện nay, rất nhiều công ty đã đăng kí tham gia chương trình này. 103 dự án đã được thực hiện và 41 dự án trong số đó là những dự án liên quan đến Việt Nam. Các dự án này có 3 nhóm chính. Đầu tiên là ngành gia công kim loại, tiếp theo là ngành hàng y tế, thứ ba là ngành thiết bị điện.

Lê Anh

Top