Đã có 21.338 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh

28/07/2021 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thông tin được đại diện HCDC cho biết tại buổi họp báo tình hình dịch bệnh COVDI-19 trên địa bàn TPHCM do Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Thành phố tổ chức vào chiều 28/7.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính hết ngày 27/7, TPHCM ghi nhận 73.911 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong ngày 27/7, có thêm 4.353 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 21.338. Tính cộng dồn đến nay có 815 bệnh nhân tử vong.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết khi số ca F0 tăng cao, ngành y tế xin ý kiến Bộ Y tế triển khai chiến lược phòng chống dịch trong giai đoạn mới.

Cụ thể, trước đây triển khai tầm soát, đưa tất cả F0 đi cách ly tập trung, tuy nhiên số lượng F0 tăng nhanh, Thành phố đã phải huy động rất nhiều cơ sở cách ly tập trung. Đặc biệt, do F0 có triệu chứng và bệnh nền chuyển nặng nhiều nên Thành phố định hướng tập trung vào công tác điều trị theo 5 tầng nhằm đáp ứng tình hình thực tế.

Tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền tại địa bàn các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Mục tiêu là theo dõi, chăm sóc sức khoẻ dự phòng, hạn chế thấp nhất F0 chuyển sang giai đoạn có triệu chứng.

Tầng 2 là bệnh viện dã chiến, có nhiệm vụ thu dung F0 có triệu chứng nhẹ và bệnh nền ổn định. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất người bệnh chuyển sang triệu chứng nặng.

Tầng 3 là bệnh viện điều trị COVID-19, có nhiệm vụ điều trị, chăm sóc F0 triệu chứng trung bình và nặng. Mục tiêu hạn chế thấp nhất tỉ lệ chuyển sang triệu chứng nặng hơn và nguy kịch.

Tầng 4 là các bệnh viện điều trị cho bệnh nhận COVID-19 có kèm bệnh lí nền, hoặc bệnh lí nặng cần điều trị cấp cứu. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong do bệnh lí nền hoặc bệnh lí đi kèm.

Tầng 5 là bệnh viện cấp cứu, hồi sức với mục tiêu là hạn chế tỉ lệ tử vong với người bệnh nặng và nguy kịch.

Để thực hiện mục tiêu theo từng tầng thì việc củng cố cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, nhân lực, tập huấn và tuân thủ các phác đồ điều trị, đặc biệt là cách sử dụng thuốc chuyên biệt trong điều trị COVID-19 một cách thành thạo trong cấp cứu là rất quan trọng.

Sở Y tế đã phối hợp với Đại học Y dược TPHCM tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về công tác tổ chức. Ngoài ra, với công tác chăm sóc với F0 không triệu chứng, nếu gia đình có đầy đủ điều kiện thì thực hiện chăm sóc tại nhà, khi có dấu hiệu thì liên hệ ngay với số điện thoại của nhân viên y tế để được tư vấn.

Những ngày vừa qua Sở Y tế đã triển khai công tác tư vấn qua điện thoại với sự tham gia của đội ngũ các thầy thuốc, y bác sĩ, giáo sư đầu ngành để tư vấn cho các trường hợp cách ly tại nhà.

Liên quan tổng đài 115, hiện nay người dân phản ánh có tình trạng nghẽn mạng. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết tổng đài 115 đã nâng lên 14 đường truyền, có thể tiếp nhận 5.000 cuộc/ngày. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi rơi vào đợt cao điểm gây khó khăn trong việc đáp ứng các cuộc gọi của người dân.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Thành phố đã chỉ đạo mở một tổng đài dã chiến tại Công viên Phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 và có thể tăng lên tối đa là 100 đường truyền. Bên cạnh đó, ông Lâm Đình Thắng cho biết, sẽ tăng cường thêm các lực lượng tổng đài viên là tình nguyện viên từ các trường đại học của ngành y để tiếp nhận đầy đủ các cuộc gọi của người dân.

Về thông tin Công ty Vissan xin tạm dừng hoạt động 3-4 tuần do phát hiện nhiều F0 trong nhà máy, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ước tính nguồn cung ứng gia súc tại TP khoảng 10.000 con/ngày. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, lượng tiêu thụ giảm xuống. Việc Vissan tạm ngừng cung cấp thịt làm ảnh hưởng quá trình phân phối hàng tại một số siêu thị. Tuy nhiên, Vissan chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, thị trường Thành phố có nhiều nhà cung ứng thịt khác như CP, CJ... Các nhà cung cấp này có khả năng cung ứng bổ sung.

Ngoài nguồn hàng dự trữ, có thể tiếp tục cung ứng những ngày tới, Vissan cũng đang đàm phán với đối tác để có nguồn cung bổ sung, dự kiến 3 ngày tới sẽ bổ sung cung ứng lại nguồn hàng này.

Về việc, danh mục các hàng hóa thiết yếu và vận chuyển của các đơn vị khi thực hiện Chỉ thị 16, ông Phương cho hay thời gian qua, chủ yếu tập trung vào mặt hàng lương thực thực phẩm. Do đó, một số mặt hàng chưa được tạo thuận lợi. "Chiều nay, Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu với lãnh đạo TPHCM thống nhất để có thể linh động trong việc vận chuyển hàng hóa lưu thông vào Thành phố. Và hôm nay sẽ có danh mục cụ thể", ông Phương nói.

Băng Tâm

Top