Doanh nghiệp bức xúc vì cán bộ hải quan lười biếng

16/02/2017 2:37 PM

(Chinhphu.vn) – Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì thói quen cũ của một số cán bộ hải quan, họ ngại tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử mà yêu cầu doanh nghiệp phải đưa giấy nộp tiền mới cho thông quan.

Hải quan TPHCM muốn giảm tỷ lệ DN phải kiểm tra chuyên ngành từ 35% xuống còn 15% trong năm 2017. - Ảnh minh họa

Thực tế trên được thừa nhận tại cuộc đối thoại ngày 15/2 giữa Cục Hải quan và Cục Thuế TPHCM với hơn 200 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam.

Không cần đem theo giấy nộp tiền

Về hải quan, vướng mắc lớn nhất mà các DN Nhật Bản gặp phải là chi cục hải quan các tỉnh, thành không tuân thủ đúng quy định thời gian hoàn thuế cho DN (15 ngày, nếu thuộc diện phải kiểm tra trước; 7 ngày, với trường hợp không thuộc diện kiểm tra trước).

Cộng đồng DN Nhật Bản cũng phàn nàn nhiều về thái độ của ngành hải quan. Nhiều trường hợp DN đã nộp thuế đầy đủ và đúng hạn nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu xuất trình giấy nộp tiền có xác nhận của ngân hàng mới được thông quan hàng hóa. Thời gian cập nhật tình trạng nợ thuế khá lâu ảnh hưởng đến hoạt động của DN…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP, cho rằng bức xúc của DN xuất phát từ thói quen cũ của một số cán bộ hải quan. Họ ngại tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của ngành mà yêu cầu DN phải đưa giấy nộp tiền mới cho thông quan.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nhấn mạnh, nếu DN chỉ rõ những chi cục và cán bộ hải quan nào đang nhũng nhiễu, gây khó, Cục Hải quan TP sẽ xử lý ngay. Riêng với những vướng mắc ngoài địa bàn TP, các DN nên có văn bản khẩn cấp gửi Tổng cục Hải quan để được hỗ trợ giải quyết ngay, tránh gây ảnh hưởng dòng tiền kinh doanh của DN. DN cần kiên quyết từ chối nộp giấy nộp tiền và buộc cán bộ hải quan phải tra cứu điện tử.

Lãnh đạo ngành hải quan TP đề nghị DN bỏ thói quen đưa giấy nộp tiền khi được yêu cầu. Hiện Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận liên kết với 17 ngân hàng thương mại, trong đó có 2 ngân hàng của Nhật Bản. Theo thỏa thuận, khi DN nộp tiền vào ngân hàng, lập tức dữ liệu xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của hải quan.

“Nếu có trục trặc trong khâu kiểm tra dữ liệu là trách nhiệm của hải quan và Kho bạc Nhà nước, chứ không phải của DN. Do đó, DN chỉ cần xuống cửa khẩu, đọc số tờ khai để thông quan hàng hóa mà không cần đem theo giấy nộp tiền” - ông Toản nhấn mạnh.

Hiện Cục Hải quan TPHCM đang cố gắng giảm tỷ lệ DN xếp luồng vào từ 38% xuống còn 28% và tăng lượng DN luồng xanh từ 57% lên 67%. Tỷ lệ DN luồng đỏ vẫn ở mức 5%. Đồng thời, làm việc với các bộ ngành chuyên môn để giảm tỷ lệ DN phải kiểm tra chuyên ngành từ 35% xuống còn 15% trong năm 2017.

Bức xúc cách tính phạt lãi tiền chậm nộp

Trong vực thuế, bức xúc lớn nhất của nhiều DN là cách tính phạt lãi chậm nộp thuế. Đại diện Cục Thuế cho biết, lãi chậm nộp được tính từ ngày phát sinh đến ngày DN thực nộp.

Theo nhiều DN Nhật, điều này chưa hợp lý. Việc tính lãi nộp chậm và mức nộp đã được thể hiện rõ trong biên bản thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế. Phần còn lại, thời gian chờ từ lúc DN ký biên bản thanh, kiểm tra thuế đến khi Cục Thuế ra quyết định phạt, không phải lỗi do DN chậm nộp, nên không thể tính lãi chậm nộp thêm cho khoảng thời gian chờ ra quyết định của Cục Thuế.

Không những thế, việc hồ sơ thuế DN đã bị kiểm tra và xử lý cách đó 3 năm, nhưng đến nay lại tiếp tục bị lật lại kiểm tra và DN vẫn có khả năng bị phạt lại là không thỏa đáng. Vì có những DN đã chuyển đổi nhân sự, thậm chí chuyển đổi chủ sở hữu. Do đó, cộng đồng DN Nhật cho rằng, ngành thuế cần phải chịu trách nhiệm với quyết định kiểm tra trước đây và không nên bắt DN phải chịu vấn đề do mình quản lý thiếu sót trước đó.

Đại diện một ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam cho biết ngân hàng này cũng từng nhận được thông báo đóng bổ sung tiền lãi chậm nộp từ cơ quan thuế TP. Theo vị đại diện DN này, dù chỉ vài ngày nhưng với DN Nhật, nhất là ngành ngân hàng có những quy định riêng về kiểm soát nội bộ, dù chỉ một đồng cũng phải được ngân hàng mẹ ở Nhật chấp thuận và thủ tục rất phức tạp. “Cục thuế TP có thể kiến nghị Tổng cục Thuế đơn giản thủ tục trong vấn đề này để DN thuận lợi hơn” - vị đại diện ngân hàng kiến nghị.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Lê Duy Minh thừa nhận việc chưa rõ ràng của cơ quan thuế trong thông báo tính lãi chậm nộp từ 3 năm trước. Hiện ngành thuế đã cải thiện thủ tục này và sẽ ghi nhận ý kiến của DN, kiến nghị Tổng cục Thuế làm sao để minh bạch hơn trong chính sách.

Đại diện Cục Thuế TP cũng đưa ra giải pháp: Trong khi chờ kiến nghị thay đổi, DN có thể thực hiện nộp thuế và lãi chậm nộp ngay tại thời điểm ký biên bản thanh, kiểm tra thuế. Như vậy, sẽ tránh bị tính thêm tiền lãi từ khi DN ký biên bản thanh tra, kiểm tra thuế đến lúc thực nộp.

Thành Đạt

Top