Đổi mới giáo dục - Đột phá từ tư duy của hiệu trưởng

04/09/2015 9:17 PM

(Chinhphu.vn) - Để tạo đột phá trong hoạt động giáo dục và lèo lái các trường học đi theo xu hướng đổi mới, hội nhập quốc tế, rất cần đội ngũ “tư lệnh” có tâm, có tầm. Yêu cầu quan trọng là phải chọn lọc được những vị hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm, có năng lực quản trị trường học đúng nghĩa?

Cô Bùi Thị Nguyệt Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp, TPHCM)
trao đổi với học trò trong ngày vui khánh thành trường mới.

Còn nhiều hiệu trưởng ngại đổi mới

Trong năm học mới này, nghe tin một hiệu trưởng đã lớn tuổi từ nơi khác được bổ nhiệm về ngôi trường THCS đang khuyết “thuyền trưởng”, nhiều giáo viên ở đây biểu lộ sự thất vọng. Bởi lẽ, họ từng hy vọng và chờ mong ứng viên sáng giá - hiệu phó của nhà trường vừa trẻ vừa có năng lực, tỏa sáng nhiều thành tích, sáng kiến hay - sẽ có quyết định làm hiệu trưởng. Không chỉ được đồng nghiệp tin cậy, đánh giá cao về chuyên môn, năng lực điều hành, vị hiệu phó này còn khơi nguồn sáng tạo - ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng nhiều mô hình giáo dục tiên tiến mang lại hiệu quả cao trong dạy và học. Không ít câu hỏi râm ran trong giáo viên: “Vì sao những người có đủ đức, đủ tài, chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm quản lý điều hành trường học tốt lại không được bổ nhiệm?”. Có lẽ đây không phải là câu chuyện ngoại lệ về bổ nhiệm, phân công cán bộ quản lý trong các trường học ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Trên thực tế, nhiều hiệu trưởng được bổ nhiệm vị trí “tư lệnh” trường học, nhưng họ không hội đủ các tiêu chí, đòi hỏi về năng lực về chuyên môn cũng như kiến thức quản trị trường học… Vì thế, họ không thể nhóm lửa và khơi dậy tinh thần đổi mới, tạo động lực, niềm tin để đội ngũ giáo viên giỏi nghề phát huy năng lực sáng tạo lẫn đam mê nghề nghiệp.

Tại hội nghị bàn về đổi mới công tác quản lý giáo dục của TPHCM cách  đây không lâu, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những bất cập về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hiện nay. Không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp thấp, nhiều cán bộ quản lý giáo dục còn yếu kém về trình độ ngoại ngữ, tin học. Do hạn chế về những kỹ năng thời đại này nên họ ngại đổi mới, thiếu chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành trường học. Một giáo viên trẻ bộc bạch: “Trong khi chúng tôi tràn đầy năng lực sáng tạo, luôn có ý tưởng mới, muốn ứng dụng nhiều phần mềm giáo dục hay vào dạy học thì lại vấp phải tư duy cũ, ngại đổi mới của ban giám hiệu…”. Sự không tương thích này chính là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, chậm thay đổi trong hoạt động giáo dục của nhiều trường như hiện nay.

Tuyển chọn “tư lệnh” giỏi

Có thể nói, vấn đề tồn đọng và gây nhiều bức xúc hiện nay là công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế và chưa đúng với vị trí làm “tư lệnh” trường học thời kỳ đổi mới. Chính vì thiếu kỹ năng quản trị và thiếu tầm để xây dựng chiến lược đổi mới giáo dục nên nhiều hiệu trưởng cứ loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu. 

Theo nhận định của ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cái khó hiện nay là sức ì, ngại đổi mới trong một bộ phận cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng lớn tuổi. Điều này sẽ làm cản ngại, triệt tiêu nhuệ khí của những nhân tố tích cực trong đội ngũ giáo viên có năng lực, giàu nhiệt huyết sáng tạo. Vậy tháo gỡ rào cản này như thế nào? Để thích ứng với đổi mới hoạt động giáo dục, coi học sinh là trung tâm và giúp các em tự khám phá bản thân, phát huy năng lực cá nhân, nhà trường phải chủ động áp dụng cách dạy và học mới. Và để làm được điều này, rất cần tư duy đổi mới, tiên phong khai sáng của các vị hiệu trưởng. Theo chia sẻ của thầy Trần Ái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7): “Nếu mình không thay đổi tư duy - dám nghĩ, dám làm - thì làm sao tạo ra cái mới, mang lại niềm vui cho học trò”. Nhờ dám nghĩ, dám làm và đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ đã chủ động đổi mới từ chuyện học đến vui chơi, giải trí. Không chỉ tạo môi trường học đường thân thiện, nhà trường còn tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện, chú trọng nâng cao thể lực, hoạt động ngoại khóa…

Ở góc độ khác, một hiệu trưởng trường THCS lại cho rằng đổi mới giáo dục gặp rất nhiều rào cản, nhất là tư duy cũ của giáo viên lớn tuổi. Theo đó, khi trường áp dụng phương pháp mới, đưa phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, chỉ có giáo viên trẻ nhiệt tình hưởng ứng, còn lại 80% giáo viên lớn tuổi phản ứng ngầm. Họ viện lý do này nọ để trì hoãn và tiến độ thực hiện rất chậm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Chung (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM), để đổi mới thành công thì vai trò, kỹ năng quản lý linh hoạt của hiệu trưởng rất quan trọng. Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm giáo dục của mình, “tư lệnh” trường học phải có bản lĩnh, tài năng, sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố khoa học với nghệ thuật trong quản lý, điều hành. Nhưng sẽ không có một công thức, mô hình nào để rập khuôn cho tất cả hiệu trưởng và để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình thì họ phải chủ động đổi mới công tác quản lý, hoàn thiện năng lực, trình độ chuyên môn và quan trọng là biết lắng nghe tướng lĩnh, đội quân tinh nhuệ của mình.

Đổi mới trường học thời hội nhập quốc tế đang đòi hỏi các “tư lệnh” trường học phải chuyên nghiệp, có kỹ năng quản trị giỏi, phẩm chất tốt. Như thế, để cạnh tranh và chọn lọc được những ứng viên sáng giá vào các vị trí hiệu trưởng, hiệu phó thì nên thay đổi cách bố trí bằng tuyển dụng công khai. Thay vì bổ nhiệm cán bộ quản lý như đang làm, TPHCM nên thay đổi tư duy, thí điểm thi tuyển các vị trí hiệu trưởng, hiệu phó như thành phố Đà Nẵng và một số địa phương đang làm. Chúng ta không thể chạm nhanh vào mục tiêu xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nếu không tuyển chọn được đội ngũ “tư lệnh” trường học hội đủ tiêu chí tài giỏi, có năng lực, phẩm chất thực sự và xứng đáng là một nhà quản trị giỏi.

Theo SGGP

Top