Hải quan TPHCM đạt mục tiêu thu ngân sách ở “phút 89”

22/01/2018 3:06 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2017 trở thành năm thu ngân sách hết sức căng thẳng của ngành hải quan TPHCM khi mục tiêu thu ngân sách chỉ vừa vặn hoàn thành ở “phút 89”. Hải quan Tân Sơn Nhất nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

Các năm trước đây Hải quan TPHCM thu ngân sách chiếm tỷ trọng khoảng 35% so với toàn ngành Hải quan, tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ trọng đã tăng cao dần. Cụ thể là năm 2015 chiếm 34,61%, năm 2016 chiếm 37,2%, năm 2017 chiếm 38,24% và năm 2018 theo kế hoạch số thu chiếm 38,16% so với tổng số thu của ngành. Ảnh: VGP

Nhiều doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu

Đến hết tháng 11 năm 2017, thu ngân sách qua Hải quan TPHCM mới đạt hơn 91% dự toán. Áp lực vì vậy đổ dồn lên tháng cuối năm với mức thu bình quân mỗi ngày phải đạt 590 tỷ đồng. Trong khi mức thu trung bình ở tháng 11 liền trước mới là 430 tỷ đồng/ngày.

Do đó, nếu như toàn ngành thuế TPHCM hết sức căng thẳng trong những ngày cuối cùng của năm 2017 vì chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì Hải quan TPHCM - đầu mối chủ lực về thu ngân sách trên địa bàn cũng không là ngoại lệ khi chỉ vừa vặn hoàn thành mục tiêu ở “phút 89” với hơn 109 nghìn tỷ đồng, tức đạt mức 100,06% chỉ tiêu đề ra.

Tất nhiên, nếu so với năm 2016 trước đó thì Hải quan TPHCM đã tăng thu đến 7,75 %, tức tăng hơn 7.900 tỷ đồng.

Nhìn chung, đây là kết quả từ sự gia tăng các hoạt động kinh tế. Tổng số doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua Hải quan TPHCM đạt hơn 46.000 doanh nghiệp, tăng 10,8% so với năm trước đó. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng 10,1%, chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng như: linh kiện điện tử, điện thoại, máy vi tính, máy móc, giày dép, cao su, hàng dệt may, hóa chất, thuốc trừ sâu, dược phẩm, rau quả, thủy sản, kim loại, ô tô và linh kiện…

Tuy nhiên, xu thế các năm gần đây cho thấy áp lực thu ngân sách tại đầu mối này mỗi lúc một lớn khi tỷ trọng thu NSNN giữa Cục Hải quan TPHCM và toàn ngành Hải quan tăng cao. Nếu như trước đây mỗi năm số thu NSNN tại Hải quan TPHCM chiếm khoảng 35% thì đến năm 2017 đã tăng lên đến 38,24%. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Cục Hải quan TPHCM trong công tác điều hành thu NSNN.

Doanh nghiệp chọn ưu đãi

Lý giải cho những “căng thẳng” trong hoàn thành mục tiêu thu NSNN, Hải quan TPHCM cho rằng điều này xuất phát từ thực tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, với nhiều cam kết từ Chính phủ về việc cắt giảm các dòng thuế tại nhiều Hiệp định thương mại tự do, lượng xăng dầu nhập khẩu qua khu vực cảng TPHCM cũng giảm mạnh, nguồn thu từ sắt thép, phân bón đang có xu hướng giảm đều những năm gần đây (một phần do thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá).

Đáng chú ý, lượng xe ôtô nhập khẩu những tháng cuối năm cũng giảm để chờ ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu từ các nước Asean giảm còn 0% từ đầu năm 2018 (kim ngạch mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ tuy tăng trong các tháng đầu năm nhưng giảm dần từ tháng 9/2017; kim ngạch nhập khẩu 15 ngày cuối tháng 11/2017 chỉ đạt 1,8 tỷ USD, trong khi 15 ngày đầu tháng 11/2017 đạt đến 2,4 tỷ USD)

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có trụ sở giao dịch tại TPHCM nhưng làm thủ tục và nộp thuế tại các địa phương khác cũng khiến nguồn thu qua đầu mối TPHCM giảm gần 1.800 tỷ đồng.

Mất 1.445 tỷ đồng tiền thuế

Đáng chú ý, một phần khó khăn thu NSNN của Hải quan TPHCM còn do nợ đọng thuế. Cải cách hành chính khiến doanh nghiệp hiện nay rất dễ dàng trong thành lập hay giải thể, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Nhiều doanh nghiệp được lập ra chỉ để nhập khẩu một vài lô hàng có mức thuế suất cao rồi khai báo giá trị thấp để trốn thuế sau đó tuyên bố phá sản ngay hoặc lập doanh nghiệp chỉ để nhập hàng giá trị cao (ô tô) theo diện quà biếu rồi cũng nhanh chóng giải thể khiến hải quan không kịp “trở tay”!

Cho dù năm 2017 vừa qua, Hải quan TPHCM đã thu hồi được 1.115 tỷ đồng nợ đọng thuế nhưng cho đến cuối năm 2017, tổng số nợ thuế vẫn lên đến gần 2.570 tỷ đồng, trong đó số nợ không có khả năng thu hồi đã vượt 1.445 tỷ đồng, chiếm quá nửa số nợ đọng thuế hiện nay.

Tuy nhiên, trong kiến nghị phạt chậm nộp thuế với doanh nghiệp, Hải quan TPHCM vẫn đề xuất chính sách cần phân biệt rõ hành vi cố ý và vô ý. Theo đó, các trường hợp không thuộc lỗi doanh nghiệp cố ý chây ì thì không phạt chậm nộp.

Thu 108.000 tỷ đồng trong năm 2018

Năm 2018, cùng với việc tăng cường thực hiện các giải pháp chống thất thu; xử lý dứt điểm và tạo sự chuyển biến căn bản các khoản nợ và thu hồi nợ đọng; giảm thời gian thông quan, tạo thuận lợi; chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức, Hải quan TPHCM phấn đấu số thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm là 108.000 tỷ đồng.

Phương Hiền

Top