Hãy tạo “vốn mồi” cho khởi nghiệp

07/06/2016 9:40 PM

(Chinhphu.vn) - Chính phủ không chỉ tạo ra hành lang pháp lý, mà phải tạo ra vốn mồi ban đầu cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, nếu các cơ quan Nhà nước đồng hành cùng DN, các tổ chức tài chính sẽ có thêm niềm tin đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Tạo lập sàn chứng khoán chuyên biệt dành cho khởi nghiệp

Hội thảo phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp. Ảnh: VGP/ Phan Hoàng

Đây là ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia khi tham dự hội thảo phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp diễn ra ngày 7/6 tại TPHCM.

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, cùng hàng trăm DN trong và ngoài nước.

Kinh nghiệm của các nước và vùng lãnh thổ có nền kinh tế tri thức phát triển, đã từng là những quốc gia khởi nghiệp như Israel, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đều có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình hành hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với khởi nghiệp là huy động vốn cho giai đoạn ươm mầm cũng như tăng tốc.

Chấp nhận rủi ro cho lợi ích tương lai

Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc đề án VietNam Silicon Valley (VSV), Bộ KH&CN (người trực tiếp điều hành các hoạt động của VSV với nhiều thành tựu nổi bật như đã đầu tư cho hơn 30 dự án khởi nghiệp, trong đó, một số nhóm chỉ sau 4 tháng đã được định giá hàng triệu USD, tăng gấp 8 lần và nhận được đầu tư từ các quỹ quốc tế) cho biết, VSV hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững bao gồm: DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức thúc đẩy DN và Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo bà Anh, để giúp các dự án khởi nghiệp Việt huy động được nguồn vốn phát triển, Chính phủ không chỉ tạo ra hành lang pháp lý, mà phải tạo ra "vốn mồi" ban đầu cho doanh nghiệp, bởi nếu các cơ quan Nhà nước đồng hành cùng DN, thì các tổ chức tài chính có thêm niềm tin đầu tư vào các dự án.

Giám đốc VSV cho rằng, Chính phủ khi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần phải chấp nhận tâm lý, có những DN khởi nghiệp được hỗ trợ đầu tư vẫn thất bại. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, giá trị thu được khi cộng đồng khởi nghiệp Việt phát triển sẽ lớn hơn nhiều.

Bà Anh lấy ví dụ, nước Mỹ đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2015 khoảng 60 tỷ USD, bằng 0,03% GDP, tuy nhiên, giá trị mà các dự án mang lại chiếm 23% GDP của toàn nước Mỹ.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Đại học Tài chính Marketing cho rằng, để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh vốn để các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển, qua đó, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hình thành các trung tâm hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ quản lý, bảo lãnh cho DN khởi nghiệp. Sau đó, khi các DN phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn sẽ tăng uy tín, huy động được nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính.

Kinh nghiệm huy động vốn cho khởi nghiệp từ các nước

Kinh nghiệm một số nước, vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DN khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội.

Ông Noh Tae Hyun, Trưởng Ban thị trường Sàn KONEX, Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho biết, trong 20 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy xúc tiến môi trường năng động cho DN khởi nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ vốn cho DN, xây dựng cơ chế khuyến khích về thuế… Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên không đạt được hiệu quả, do có quá nhiều DN khởi nghiệp, trong khi các Quỹ đầu tư mạo hiểm thì có hạn và chọn lựa các dự án rất kỹ.

Ông Noh Tae Hyun cho biết, những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi chính sách vốn mạo hiểm theo hướng quản lý chặt chẽ và minh bạch để có môi trường bền vững. Hiện nay, Hàn Quốc đang hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DN nhỏ huy động vốn thông qua sàn KONEX, cũng như Chính phủ sẽ đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân để thông qua đó hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, bên cạnh việc ban hành các chính sách và “bơm vốn mồi” cho các dự án khởi nghiệp thì việc hình thành một sàn giao dịch nhằm giúp các DN thu hút được nguồn vốn đầu tư cũng là một giải pháp cần xem xét và hướng tới.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cho rằng, đối với các DN khởi nghiệp, bài toán về vốn luôn là vấn đề quan trọng được các DN quan tâm, nhất là trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm.

Tuy nhiên, các DN khởi nghiệp Việt cần quan tâm nhiều hơn đến nền tảng thị trường và hành vi thị trường mà các sản phẩm đang hướng đến. Theo bà Phi, DN chưa trả lời được bài toán thị trường trong khi huy động vốn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm luôn có sự lựa chọn gắt gao, tìm kiếm những DN nào có tiềm năng phát triển và các sản phẩm của DN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để hỗ trợ các DN khởi nghiệp, trong tháng 5/2016, Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo của TPHCM đã được thành lập với tổng số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng, sẽ phấn đấu quỹ có số vốn 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Các khoản đầu tư của quỹ này đóng vai trò như vốn mồi, để giúp DN khởi nghiệp, dễ dàng thu hút các khoản đầu tư từ các quỹ khác lớn hơn.

Lê Anh

Top