Hiểu thêm về thành phố ‘xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại’

02/07/2021 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/7/1976, khi quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã căn cứ vào 2 cơ sở: Một là “nhân dân thành phố Sài Gòn-Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người” và hai là “trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn-Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân từ Bắc chí Nam, Thành phố đã được mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh” - Hồ Chí Minh anh hùng của một dân tộc anh hùng, được hiến định bởi Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (khóa VI) ngày 2/7/1976.

Điều đặc biệt là trước khi có quyết định chính thức ấy, nhân dân Sài Gòn-Gia Định và nhiều giới, nhiều người đã tự đặt và gọi tên “Thành phố Hồ Chí Minh” từ 30 năm trước, bắt đầu từ sự kiện lịch sử ngày 23 tháng 9 năm 1945.

Sau hơn 88 năm sống dưới chế độ thuộc địa, Sài Gòn-Gia Định mới chỉ 28 ngày độc lập đã phải đứng trước hành động xâm lược của thực dân Pháp; lập tức Hội nghị Xứ ủy mở rộng khẩn cấp được triệu tập tại số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) để quyết định phát động nhân dân Sài Gòn và toàn Nam Bộ đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thông qua với tuyên bố: “Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!”… Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Ngay khi nhận điện báo cáo của Xứ ủy Nam Bộ về Nam Bộ bắt đầu kháng chiến, Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp khẩn cấp. Cuộc họp nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; Huấn lệnh của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi cho đồng bào Nam Bộ ngay khi đó yêu cầu lãnh đạo cách mạng Nam Bộ: “Các đồng chí phải căn cứ theo chính sách tranh thủ hoàn toàn độc lập của chính phủ và điều kiện thực tế của Nam Bộ mà định phương châm hành động cho đúng, làm sao giữ gìn được thực lực chính trị và quân sự, đồng thời tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của thực dân Pháp một lần nữa”.

Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do hơn sống nô lệ". Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Cùng ngày 26/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Lời hiệu triệu kêu gọi toàn thể đồng bào chống cuộc xâm lăng của giặc Pháp ở Nam Bộ.

Sài Gòn-Gia Định và toàn Nam Bộ kiên quyết đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được; khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” đã hiện thực hóa lời thề độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2/9/1945: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do độc lập”.

Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, khắp nơi thành lập Quỹ “Nam Bộ kháng chiến”, nhiều cuộc quyên góp vật chất ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã diễn ra, các “Phòng Nam Bộ” xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Trung Bộ để ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Những đoàn quân “Nam tiến” lần lượt thành lập và lên đường chi viện miền Nam. Đêm 26/9/1945, đoàn quân Nam tiến đầu tiên lên tàu từ ga Hàng Cỏ xuôi vào Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cấp tốc cử các tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn vào chi viện cho mặt trận Nam Bộ.

Ngày 5/11/1945 tại Thủ đô Hà Nội, một cuộc mít-tinh lớn được tổ chức nhằm phát động “Ngày kháng chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn nêu rõ: “Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến”. Người yêu cầu “Nam Bộ thì ra sức kháng chiến, Trung Bộ và Bắc Bộ thì ra sức giúp đỡ đồng bào Nam Bộ”.

Được tiếp sức bởi tinh thần và lực lượng của cả nước, được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ, động viên, hướng dẫn, chỉ đạo, cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn cũng như các mặt trận Nam Bộ từ ngày 23/9 đến cuối năm 1945 ngày càng ác liệt nhưng vô cùng hiệu quả. Báo Cứu quốc số 51 (ngày 26/9/1945) đưa tin: “Trong ngày Chủ nhật, quân Pháp toan vượt ra khỏi Sài Gòn bằng cầu Ông Lãnh, cầu Kiệu và cầu Mac Mahon đều bị quân ta đánh lui. Suốt ngày thứ hai, quân ta và quân Pháp giao chiến với nhau nhiều trận, quân Anh và quân Nhật không can thiệp. Dân chúng khắp Nam Bộ đang sẵn sàng hy sinh để diệt quân thù với tinh thần chiến đấu rất cao”. Trong số 57 (ra ngày 3/10/1945), báo Cứu quốc cho biết: “Tám ngày sau khi chiếm đóng vài công sở tại thành phố Sài Gòn, bọn Pháp thấy chúng đã lâm vào cảnh khốn đốn nguy nan. Sức kháng chiến của đồng bào miền Nam càng ngày càng thêm oanh liệt, càng ngày càng thêm bành trướng. Những sự khủng bố dã man của chúng chỉ làm tăng lòng tức giận quyết diệt quân thù của toàn thể dân chúng Việt Nam. Vòng vây quanh Sài Gòn mỗi ngày một thêm thắt chặt. Ngày nay, thiếu lương ăn, thiếu nước uống, lúc nào cũng lo sợ nơm nớp, bọn Pháp đã phải nhờ người Anh đứng trung gian để xin điều đình với các nhà chức trách Việt Nam, hòng mong dựa thế người Anh vớt vát được ít lợi nguồn”. Ngày 16/11/1945, báo viết: “Tại Sài Gòn, vùng ngoại ô mới có một trận tấn công của quân ta. Ngay trong thành phố, quân ta cũng dùng lựu đạn ném phá các nơi căn cứ quan trọng của địch quân. Các toán quân ta ở Sài Gòn đã dùng đại bác công phá thành phố này”.

Giữa tháng 11/1945, Chính phủ lập Phòng Nam Bộ do bác sĩ Huỳnh Bá Nhung phụ trách, để giúp Bộ Nội vụ về mặt nội trị ở trong Nam, tuyên truyền cho quốc gia và cho thế giới biết những sự thật ở miền Nam. Đây cũng là nơi tập hợp gặp gỡ đồng bào, cán bộ chiến sĩ Nam Bộ đang công tác ở miền Bắc, chia sẻ những hiểu biết, kiến nghị về Nam Bộ và cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở miền Nam.

Trên nền một thực tiễn lịch sử phát triển nhanh chóng và rõ ràng như vậy, buổi họp mặt thân thiện của những người Nam Bộ ở Hà Nội, nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn (25/8/1945-25/8/1946) đã trở thành nơi đề xuất ý tưởng về việc đổi tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Báo Cứu quốc số 329 ra ngày 27/8/1946 đưa tin bài về buổi họp mặt ấy: “Trong buổi họp này, bác sĩ (Trần Hữu) Nghiệp nhắc lại tình hình Nam Bộ trong một năm qua, những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đã chết và còn sống hiện đang chiến đấu, (…) bác sĩ kể đến công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam (…). Bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh (…). Mọi người tán thành và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ”.

Từ đó, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc diễn ra suốt 30 năm. Đến mùa Xuân năm 1975, chiến tranh mới kết thúc với thắng lợi vẻ vang non sông thu về một mối; tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà được hoàn thành. Tròn 30 năm mới có cuộc tổng tuyển cử cả nước lần thứ 2 (ngày 25/4/1976) để có Quốc hội khóa VI, Quốc hội thống nhất và kỳ họp đầu tiên đã dành ngày 2/7/1976 để thảo luận đề nghị của Đoàn chủ tịch kỳ họp Quốc hội để ra Nghị quyết lịch sử.

Từ thành phố này, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Từ đó, Thành phố đi theo, làm theo con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn cho đất nước và dân tộc. Quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ ấy, Sài Gòn-Gia Định đã “không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Lịch sử “đi trước về sau” trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược đã khép lại; trang sử mới đã mở ra cho Thành phố tiếp tục vươn lên “đi trước và về đích trước” trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục “vì cả nước, cùng cả nước” thực hiện khát khao của Bác Hồ căn dặn trong Di chúc “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Hà Minh Hồng

Top