Hợp tác phát triển, thương mại chip do Việt Nam nghiên cứu

12/08/2015 9:08 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/8 tại TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (ICDREC) đã công bố việc hợp tác phát triển, thương mại chip RFID.

Ký hợp tác phát triển, thương mại chip RFID. Ảnh: VGP/Hà Trần

Đây là kết quả nghiên cứu thuộc dự án công nghệ được đầu tư lớn nhất từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ từ trước đến nay.

Dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng" do Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì, ICDREC thực hiện với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Đây là dự án Khoa học và công nghệ cấp nhà nước được thực hiện trong 4 năm (2011-2015) với tổng kinh phí lên đến 145,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ (124,8 tỷ đồng) và Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đóng góp 20,9 tỷ đồng.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo chip cũng như các thiết bị và hệ thống ứng dụng RFID của Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường trong nước và khu vực, không phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài.

Từ dòng chip này, thiết bị đọc/ghi và phần mềm quản lý, hệ thống của ICDREC đã tự động hóa công đoạn quản lý con người ra vào, bảo vệ tài sản công, thống kê dữ liệu cần thiết để phân tích và nâng cao chất lượng quản lý nhân sự... Ngoài ra, hệ thống có khả năng mở rộng, tích hợp thêm nhiều tính năng hữu ích khác.

Tại lễ công bố, ICDREC cũng  ký kết thỏa thuận hợp tác  phát triển sản phẩm và thương mại sản phẩm chip RFID với một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là Shoei và một doanh nghiệp Việt nam là VietNet.

Theo đại diện của VietNet thì việc hợp tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Chip RFID có ưu điểm nổi bật là có phần mềm quản lý bằng tiếng Việt; bước đầu cho thấy có nhiều tính năng và chất lượng tốt; giá thành cạnh tranh so với chip nhập ngoại…Tuy nhiên, trong tương lai gần, chip này nên tiếp tục được cải tiến về mẫu mã. Ở góc độ thương mại, theo đại diện của VietNet, sản phẩm chip mới này nên hướng vào phân khúc các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực logictics, khách sạn, siêu thị…

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp hợp tác để nghiên cứu, phát triển dự án, ông Chu Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết, hiện CNS đang triển khai dự án nhà máy vi mạch có quy mô lớn tại Khu công nghệ cao TP.HCM nên việc nghiên cứu thành công chip RFID có ý nghĩa rất quan trọng. Thành công của nghiên cứu này chính là nguồn đầu vào cho nhà máy trong tương lai và phù hợp với định hướng đẩy mạnh đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao của doanh nghiệp.

RFID (radio frequency indentification) là công nghệ định danh bằng sóng vô tuyến, được phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những năm gần đây nhằm thay thế cho các công nghệ định danh cũ như mã vạch, băng từ... vốn không có tính năng mã hóa bảo vệ dữ liệu người dùng. Công nghệ RFID được áp dụng vào việc ứng dụng vào quản lý vào/ra, điểm danh, quản lý hàng hóa, thẻ căn cước, bằng lái xe, hộ chiếu, thanh toán siêu tốc, quản lý hàng ký gửi bằng đường hàng không...

Theo số liệu thống kê, giá trị sử dụng chip RFID trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đôla và sẽ tăng lên mức trên 27 tỷ đôla trong vài năm tới do nhu cầu ngày càng cao.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, tất cả các chip RFID và các thiết bị hỗ trợ công nghệ này đều phải nhập từ nước ngoài. Các phần mềm quản lý cũng có một vài đơn vị trong nước tự phát triển, tuy nhiên chủ yếu chỉ dừng lại ở mức triển khai giải pháp có sẵn ở nước ngoài.

Hà Trần

Top